Tai biến thẩm mỹ: Chỉ cần mặc áo blouse là thành... bác sĩ phẫu thuật

Cơ sở thẩm mỹ không phép núp bóng cơ sở có phép, người thực hiện phẫu thuật không có chứng chỉ hành nghề... làm tăng số ca tai biến thẩm mỹ.

Ngày 22-8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

77% ca tai biến thẩm mỹ do làm đẹp ở spa chui

TS.BS Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho 200-500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. Trong đó, 69% tai biến liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...

Bác sĩ Thúy cho hay, vừa qua bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng. Bệnh nhân là một nam thanh niên trẻ, sau khi tiêm filler (chất làm đầy) đã bị biến chứng dẫn đến mù mắt phải, không thể cứu chữa.

 Hội nghị "Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hội nghị "Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trường hợp tai biến thẩm mỹ khác là một cô gái trẻ nhờ em họ không phải nhân viên y tế tiêm filler. Sau tiêm, cô gái có biểu hiện bị mờ, phù nề vùng mắt… May mắn, ngay sau khi phát hiện có vấn đề bất thường, cô đã đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM kiểm tra và điều trị kịp thời, không để lại di chứng.

Chưa hết, trường hợp tai biến thẩm mỹ nữa là bệnh nhân nữ (23 tuổi, ngụ Cà Mau) cũng mong muốn điều trị cải thiện vùng cằm bằng cách tiêm filler vùng cằm. Đáng nói, bệnh nhân được tiêm filler ngay tại nhà.

Sau tiêm, bệnh nhân sưng đau vùng cằm, điều trị thuốc nhưng không giảm, sưng đỏ kéo dài. Do đó, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Theo bác sĩ Thúy, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có đến 77% bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ do đi làm đẹp ở spa "chui" không đảm bảo chất lượng, 13% tai biến do thực hiện tại nhà.

 Hình ảnh một bệnh nhân tai biến thẩm mỹ điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

Hình ảnh một bệnh nhân tai biến thẩm mỹ điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

"Làm đẹp tại cơ sở chui, thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, nếu người thực hiện không nắm vững kiến thức chuyên môn, các cấu trúc mạch máu sẽ dẫn đến điều trị sai cách, gây các hậu quả nặng nề.

Còn nếu sử dụng các thiết bị, sản phẩm không phù hợp hay làm sai kỹ thuật trong thẩm mỹ nội khoa có thể xảy ra biến chứng trầm trọng. Bệnh nhân dễ gặp các biến chứng thông thường như nổi các nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt" - bác sĩ Thúy khuyến cáo.

6 giải pháp chấn chỉnh dịch vụ làm đẹp

Theo ông Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ranh giới giữa y tế và phi y tế là một thách thức lớn trong quản lý nhà nước. Hiện TP.HCM có 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành y tế, trong khi đó có gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...).

Do vậy, thách thức lớn của ngành y tế là các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động lấn sân sang khám, chữa bệnh.

“Các sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng tăng, có đến 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính. Thực trạng thẩm mỹ không phép cũng tăng, các cơ sở này núp bóng cơ sở có phép, người thực hiện phẫu thuật thì hành nghề chui, tay ngang, không có chứng chỉ hành nghề” - ông Hân nói.

Phức tạp hơn, có nhiều cơ sở chui len lỏi trong khu dân cư, nhà dân để khám, chữa bệnh không phép. Khi bị kiểm tra xử lý, cơ sở lại đối phó bằng nhiều cách như thay tên đổi họ, chuyển qua địa bàn khác, hoặc gần đây là mở chuông báo cháy để dễ bề tẩu thoát...

Ngoài ra còn có tình trạng các cơ sở quảng cáo quá mức, sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội gây khó trong quản lý. Có nơi mở khóa đào tạo vài ngày, một tuần cho người không chuyên môn, tạo ra những người tay ngang, làm tăng nguy cơ tai biến thẩm mỹ.

 Sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa do Bệnh viện Da liễu TP.HCM cung cấp)

Sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa do Bệnh viện Da liễu TP.HCM cung cấp)

Ông Hân cho rằng nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thẩm mỹ không an toàn là do các cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà cố tình không tuân thủ quy định. Song song đó, quy định pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ răn đe.

Ngoài ra, năng lực hành nghề của người thực hiện phẫu thuật chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn thiếu hệ thống quản lý, giám sát người hành nghề; quảng cáo trên mạng xã hội chưa thực sự được kiểm soát tốt; ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội dẫn đến thông tin không được kiểm chứng, người dân bị dẫn dắt, trục lợi; tâm lý người dân muốn sử dụng dịch vụ đẹp - rẻ - nhanh, cam kết mạnh.

Để chấn chỉnh các dịch vụ làm đẹp, hạn chế tai biến thẩm mỹ, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiến nghị 6 giải pháp: Kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin về vi phạm cho cơ quan chức năng; Các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ.

Cạnh đó phối hợp Sở LĐ-TB&XH trong quản lý đào tạo, dạy nghề; Phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; phối hợp với Công an TP xử lý các vụ việc trọng điểm; thông qua tổ công tác đặc biệt, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý.

 Bác sĩ Lê Hồng Tây (bìa trái) kiểm tra cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận 10, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Lê Hồng Tây (bìa trái) kiểm tra cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận 10, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Y tế quận 10, cho biết 6 tháng đầu năm 2024, tại quận 10 đã xảy ra 6 sự cố y khoa liên quan thẩm mỹ. Báo cáo nhanh kết quả chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra, xử lý, UBND quận 10 đã ban hành 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động 12 cơ sở.

“Khi kiểm tra, xử lý, chúng tôi nhận thấy các lỗi vi phạm thường gặp của các cơ sở thẩm mỹ như hoạt động không phép, hành nghề không phép, quảng cáo không phép... Đáng chú ý, có những người chỉ cần mặc áo blouse, đội mũ trùm đầu y tế là trở thành bác sĩ và cầm dao phẫu thuật” - ông Tây nhấn mạnh.

Theo đó, để chấn chỉnh các cơ sở cố tình vi phạm tái đi tái lại, quận 10 đang thí điểm mô hình gắn biển cảnh báo người dân về cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động. Mô hình này giúp khách hàng dễ nhận diện, tránh cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo ngọt ngào chiêu dụ khách hàng.

Giải pháp hạn chế biến chứng thẩm mỹ

Nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngành y tế TP.HCM sẽ khẩn trương tiếp tục chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ chỉ định đến phẫu thuật thẩm mỹ, có phác đồ chuẩn trong từng phẫu thuật.

Cạnh đó sẽ đẩy mạnh và buộc tất cả các bệnh viện, phòng khám làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Sở Y tế sẽ xây dựng hồ sơ số hóa về thẩm mỹ giúp công tác quản lý, nhận định, không để các cơ sở tự do làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài ra, cần học tập 3 nhóm kinh nghiệm của các nước trên thế giới:

1. Siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ.

2. Nâng cao nhận thức của khách hàng: Người có nhu cầu làm các dịch vụ thẩm mỹ được khuyến khích tìm hiểu kĩ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định.

3. Quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ: Các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.

PGS.TS.BS TĂNG CHÍ THƯỢNG - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-bien-tham-my-chi-can-mac-ao-blouse-la-thanh-bac-si-phau-thuat-post806437.html