Tái cam kết mở cửa, Trung Quốc muốn 'đẹp' hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
Trung Quốc hôm 21/7 tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường tài chính nhằm trở nên thu hút và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Điểm đến ưa thích cho nhà đầu tư nước ngoài
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh kế hoạch mở cửa hơn nữa ngành tài chính cho các khoản đầu tư nước ngoài như một phương tiện thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và cũng để giải quyết bài toán về nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay.
Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng cường các cam kết mở cửa lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, đồng thời tận dụng cả thị trường quốc tế và trong nước để xây dựng hình ảnh “điểm đến phổ biến cho đầu tư nước ngoài”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định: “Là một quốc gia đang phát triển, sự phát triển của Trung Quốc phải dựa vào nền kinh tế thực. Sự cởi mở hơn về tài chính sẽ phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế thực, vốn có tầm quan trọng lớn đối với việc duy trì sự ổn định kinh tế của đất nước”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cảnh báo rằng chính phủ nên bảo vệ an ninh kinh tế và tài chính khi nền kinh tế mở cửa rộng hơn nữa.
Phó giám đốc Ủy ban chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc Xu Hongcai cho rằng, Trung Quốc nên sử dụng vốn nước ngoài theo hướng có lợi cho nền kinh tế trong nước, đặc biệt là hướng dòng vốn này vào nền kinh tế thực để giúp đổi mới và chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của đất nước.
Ông Xu Hongcai khuyến nghị, nhà chức trách cần lập kế hoạch trước thông qua việc cung cấp các hướng dẫn có mục tiêu cho các tổ chức tài chính quan trọng, có hệ thống trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái để tránh rủi ro tài chính lan rộng.
“Việc mở cửa rộng rãi hơn lĩnh vực tài chính sẽ giúp các tổ chức nước ngoài chia sẻ lợi nhuận từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của kinh tế Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo ông Xu Hongcai, "mở rộng cửa với thế giới bên ngoài chắc chắn sẽ làm gia tăng những rủi ro và thách thức tiềm tàng mà đất nước phải đối mặt”.
Cơ hội song hành thách thức
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018, Bắc Kinh đã nỗ lực mở cửa thị trường tài chính thông qua việc cam kết dỡ bỏ các hạn chế đối với dịch vụ tài chính là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, được ký kết vào tháng 1/2020.
Trung Quốc từng cam kết mở cửa thị trường tài chính khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần 20 năm trước, nhưng nước này sau đó phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không thực hiện đúng lời hứa.
Hôm 21/7, Quốc vụ viện Trung Quốc đã khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước cần thiết để đạt được mức độ cởi mở tài chính cao hơn dựa trên cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Trung Quốc đã cập nhật danh sách quy định các ngành, lĩnh vực mà đầu tư nước ngoài bị hạn chế hoặc bị cấm vào năm 2020, theo đó loại bỏ tất cả các hạn chế đối với lĩnh vực tài chính; điều chỉnh ngưỡng tiếp cận thị trường cho các tổ chức tài chính có vốn đầu tư nước ngoài như ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Bắc Kinh cũng cải thiện các quy tắc liên quan đến giao dịch xuyên biên giới giữa các công ty mẹ và công ty con của các tổ chức tài chính và tối ưu hóa các kênh để vốn nước ngoài tham gia thị trường tài chính nội địa Trung Quốc.
Đáng chú ý, hơn 100 ngân hàng, các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, tổ chức thanh toán có vốn đầu tư nước ngoài đã được chấp thuận thành lập kinh doanh tại Trung Quốc trong những năm tới.
Bắc Kinh sẽ cải thiện các yêu cầu quản lý đối với các dự án đầu tư trực tiếp có liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế thực, tìm cách giữ tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ về cơ bản ổn định và ở mức thích ứng, cân bằng.
Bắc Kinh cam kết đưa ra các biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại xuyên biên giới giúp giảm thời gian, chi phí trong quá trình thông quan, đảm bảo xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm do “những thay đổi của tình hình và môi trường quốc tế”.
Bên cạnh những cam kết mở cửa, Trung Quốc cũng kêu gọi xây dựng các cơ chế giám sát, đánh giá và cảnh báo sớm các rủi ro tài chính hệ thống, đồng thời cải thiện khung chính sách bảo mật vĩ mô.
Vào tháng 6, cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều thấp hơn kỳ vọng. Cơ quan hải quan cảnh báo, thương mại của Trung Quốc có thể chậm lại trong nửa cuối năm.
Ông Li Xingqian, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng ngoại thương sẽ giảm ở một mức độ nhất định trong nửa cuối năm do mức tăng trưởng cao hơn năm trước".
Sự phát triển của hoạt động ngoại thương còn nhiều bấp bênh, bất ổn. "Đại dịch tiếp tục phức tạp, sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới, giá nguyên liệu thô cao, vận chuyển và hậu cần yếu đi... tất cả đã bóp nghẹt biên độ lợi nhuận của các công ty thương mại, ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng”.
Theo ông Li Xingqian, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các chính sách để giảm chi phí tổng thể cho các công ty thương mại.
Tuy nhiên, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Huang Yiping, Phó Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh cảnh báo, hiệu quả của các tổ chức tài chính trong nước ngày càng giảm sút.
"Tất nhiên, mở cửa là để dòng vốn xuyên biên giới linh hoạt và tự do hơn trong tương lai, nhưng chúng ta cũng cần thực hiện một số công việc cụ thể để đảm bảo ổn định tài chính", ông Huang cho hay.
Cho đến nay, các công ty nước ngoài như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Credit Suisse đã thành lập các công ty chứng khoán liên doanh ở Trung Quốc, trong khi American Express đã được chấp thuận kinh doanh thanh toán bù trừ thẻ ngân hàng cho hoạt động kinh doanh liên doanh của mình.
Năm 2020, công ty xếp hạng Fitch cũng đã cùng S&P thâm nhập thị trường Trung Quốc.