Tái cấu trúc công ty nông, lâm nghiệp: Còn nhiều khó khăn
Rào cản từ đất đai, tài chính, khoa học - công nghệ và lao động khiến các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) gặp khó trong quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình sản xuất. Điều này gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng và nhân lực.
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLN, Quảng Ngãi xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng cơ cấu lại đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô (Ba Tơ), cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3 (TX.Đức Phổ) và giải thể đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân (Trà Bồng).
Trở mình sau sắp xếp
Năm 2019, sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp 24/3 đổi tên thành Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 và tập trung kiện toàn bộ máy, đổi mới hoạt động, hình thành chuỗi liên kết giá trị nhằm thu hút công nhân và người lao động quanh vùng, gia tăng giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp (DN). Với diện tích được quy hoạch quản lý và sử dụng hơn 709,4ha, Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 mạnh dạn đầu tư 15 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện, đường và trang bị máy móc, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ của Israel. Nhờ vậy, vùng đất cằn cỗi từng bước được phủ xanh với những cánh đồng chuối già Nam Mỹ, dưa lưới cùng hơn 12 nghìn cây mít, ổi Ruby, bơ, bưởi da xanh và trang trại chăn nuôi bò thịt.
Năm 2023, Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 trở thành DN đầu tiên của tỉnh được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng xuất khẩu chuối Nam Mỹ sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô, sau khi được tỉnh phê duyệt Đề án cơ cấu lại theo mô hình Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty thực hiện các nhiệm vụ cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, DN này đã tiến hành rà soát, điều chỉnh diện tích đất phù hợp với điều kiện hoạt động, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất. Công ty đổi mới phương thức điều hành hoạt động, đầu tư thâm canh để tăng năng suất và giá trị rừng, xây dựng phương án xử lý tài chính để xử lý dứt điểm các khoản vốn và tài sản, nợ đọng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương đánh giá, việc sắp xếp, đổi mới các công ty NLN bước đầu tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi sản xuất tiêu thụ nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người lao động.
Tháo gỡ những vướng mắc
Một trong những khó khăn đối với các công ty TNHH MTV sau chuyển đổi là thiếu hụt tài chính, chưa xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến vốn vay ngân hàng hay vốn dự án 327, ODA... nên hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô, sau khi đổi mới, sắp xếp, vốn điều lệ giảm từ 4,18 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng; trong khi kinh phí hỗ trợ (hơn 585 triệu đồng) quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên năm 2020 chưa được phân bổ.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô cho biết, từ năm 2021 đến nay, Nhà nước chưa bổ sung kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trong khi công ty không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên rất khó khăn, thậm chí không thể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo kế hoạch. Điều này khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty thấp, nên không đủ điều kiện để được bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước.
Ngoài ra, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm sử dụng đất của người dân cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các công ty sau sắp xếp, đổi mới. Như Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3, trước khi thực hiện cổ phần hóa, DN chưa thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán theo Nghị định 135/NĐ-CP của Chính phủ, nên sau khi sắp xếp, người nhận khoán không giao trả đất mà cố tình lấn chiếm sử dụng, dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài. Hơn nữa, công tác bàn giao đất giữa DN nhà nước sang công ty cổ phần chỉ thực hiện trên hồ sơ giấy tờ, chứ chưa bàn giao trên thực địa, dẫn đến tình trạng đất đai bị chiếm dụng. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, trong khi các quy định và thủ tục quản lý đất đai liên tục thay đổi, nên việc giải quyết càng phức tạp...
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân được sắp xếp theo hình thức giải thể. Tuy nhiên, theo Điều 24 của Nghị định số 172/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ thì, DN chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; trong khi DN này làm ăn thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, làm mất vốn chủ sở hữu, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Vậy là từ năm 2015 đến nay, DN này vẫn chưa được giải thể, dù không còn khả năng hoạt động.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, bên cạnh nỗ lực của DN, cần sự đồng hành của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn trong quá trình giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề đất đai. Về phía Sở NN&PTNT đã tổng hợp, tham mưu tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách trình Chính phủ xem xét. Đồng thời, thống nhất quy định xử lý tài sản trên đất (rừng, cây lâu năm, lán trại...) trong trường hợp thu hồi đất bàn giao về địa phương khi chuyển đổi công ty NLN sang công ty cổ phần, giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức khác. Qua đó, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người dân, vừa tạo điều kiện để các DN nâng cao hiệu quả hoạt động sau sắp xếp, đổi mới.