Tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích
Với ý tưởng sáng tạo và sự khéo léo, bà Đặng Thị Ngon, ngụ ấp Kinh 1, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) tái chế những sợi dây nhựa buộc gạch thành vật dụng hữu ích, mang lại thu nhập cho gia đình, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Ngon có hơn 25 năm đan sản phẩm thủ công bằng tre, trúc. Ý tưởng tái chế dây nhựa buộc gạch bắt đầu từ một lần bà Ngon thấy gian hàng bán rổ làm bằng dây nhựa. Thấy quanh khu vực mình sinh sống có nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và công trình xây dựng vứt dây buộc gạch không còn sử dụng, bà Ngon xin về đan thành các sản phẩm như rổ, thúng, mẹc, xịa, xề, sàng gạo... hữu ích cho cuộc sống.
Bà Ngon chia sẻ: “Dây nhựa buộc gạch có độ cứng và độ bền cao, khó phân hủy, vứt bỏ hoặc đốt gây ảnh hưởng đến môi trường, còn sử dụng được bỏ đi rất tiếc. Mỗi khi đi ngang cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, tôi xin dây nhựa đã bỏ đem về để tái chế. Người thân, bạn bè cũng nhặt về cho tôi”.
Dây buộc gạch sau khi được thu gom, bà Ngon làm sạch, phân loại bó thành từng bó theo màu, độ dài ngắn. Dây nhựa buộc gạch có nhiều màu sắc xanh lá, đỏ, vàng, đen... chủ yếu là màu xanh lá, những dây màu sắc khác có số lượng ít hơn bà Ngon đan xen kẽ để làm điểm nhấn cho sản phẩm của mình.
“Lúc mới đan dây nhựa tôi gặp nhiều khó khăn, dây nhựa cứng dễ cắt vào tay chảy máu, khó nhất là công đoạn bắt vành cho rổ, thúng. Những sản phẩm có kích thước lớn làm dễ, trong đó làm sàng gạo mất nhiều thời gian và kỳ công nhất, phải tỉ mỉ, cắt từng sợi dây nhựa ra thành những sợi nhỏ mới đan được. Ban đầu, tôi làm để sử dụng trong gia đình, tặng người thân, sau đó được nhiều người biết đến, tìm đến tôi đặt làm, bán chạy hơn cả sản phẩm làm từ tre, từ đó tôi có thu nhập”, bà Ngon nói.
Chị Đoàn Thị Xiếu, ngụ ấp Minh Thượng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: “Thấy sản phẩm tái chế của bà Ngon dùng bền, chắc và đẹp, giá thành hợp lý, tôi mua sử dụng và trang trí nhà bếp. Nhiều người đến nhà, thấy sản phẩm đẹp, nhờ tôi đặt bà Ngon làm rổ bằng dây nhựa”.
Bên cạnh đó, bà Ngon còn dạy nghề cho hàng xóm, hướng dẫn mọi người đan sản phẩm tái chế góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Trung bình mỗi ngày, bà Ngon đan từ 4-8 sản phẩm từ dây nhựa với nhiều kích cỡ, kiểu dáng. Những sản phẩm này được bán từ 35.000- 400.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ và kiểu mẫu. Các sản phẩm của bà Ngon đan không đủ bán, khách muốn mua phải đặt trước mấy tháng.
Đắt hàng, dây nhựa thu gom không còn, nhưng bà Ngon không mua dây nhựa mới về đan vì bà hiểu việc sử dụng dây nhựa tái chế để làm thành vật dụng hữu ích là góp phần bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN