Tái chế rác thải, phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất
ĐTO - Mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” (viết tắt là mô hình) do Hội Nông dân (ND) tỉnh triển khai thí điểm tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành) từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2023. Thông qua mô hình tạo ra chế phẩm sinh học thành phần hữu cơ phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Châu Thành, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Hội ND tỉnh, lợi thế của huyện Châu Thành có nguồn phế phẩm nông nghiệp khá dồi dào (khoai lang, rơm rạ, lục bình...), do đó việc áp dụng và chuyển giao công nghệ sinh học của mô hình, đặc biệt là giải pháp làm men (IMO) gốc và sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Để thực hiện mô hình có hiệu quả, Ban Kinh tế - Xã hội (Hội ND tỉnh) phối hợp với Hội ND huyện Châu Thành tổ chức 6 lớp tập huấn cho trên 360 lượt cán bộ, HV, ND tham dự; hướng dẫn cài đặt Zoom tập huấn trực tuyến cho các thành viên tham gia mô hình. Đồng thời chọn cán bộ, HV, ND, trong đó có HV, ND tham gia mô hình thí điểm tại xã An Nhơn do Thạc sĩ Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ (Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam), hướng dẫn làm men (IMO), thực hành trực tiếp lên phế phẩm như: lục bình, rơm rạ, thức ăn thừa... tạo thành phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái. Hoặc tạo ra chế phẩm khử mùi chuồng trại trong chăn nuôi, nhà vệ sinh trường học, bãi rác.
Ông Lê Thành Lập ngụ xã An Nhơn (huyện Châu Thành), cho biết: “Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi áp dụng làm được phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình bằng hình thức xử lý men IMO do chuyên gia Hoàng Sơn Công trực tiếp hướng dẫn. Phân hữu cơ tôi tự làm được bón cho vườn cây ăn trái, chủ yếu là cây nhãn. Sau khi bón phân hữu cơ tự làm, cây nhãn phát triển tốt, cho trái nhiều và ít sâu bệnh, còn phần đất dưới gốc cây nhãn cũng tơi xốp... nên ngày càng có nhiều nhà vườn trên địa bàn xã An Nhơn tâm đắc, tích cực thực hiện mô hình”.
Bước đầu mô hình thí điểm tại xã An Nhơn phát huy hiệu quả, Hội ND huyện Châu Thành tiếp tục nhân rộng ra 11 Hội quán, 4 Hợp tác xã và ND tham gia mô hình “Phấn đấu trở thành người ND chuyên nghiệp” trên địa bàn huyện mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hiện tại xã điểm An Nhơn đã có hàng chục HV, ND tham gia làm men IMO và sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi tại các khu vườn với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông. Ngoài ra, toàn huyện có 420 HV, ND thực hiện thu gom, phân loại hơn 40 tấn rác thải tại hộ gia đình và áp dụng giải pháp làm men trên phế phẩm hữu cơ tạo ra phân hữu cơ bón cho diện tích đất trồng nhãn, sầu riêng, ổi, mít. Thành lập các Tổ ND tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tại vườn của thành viên và các chợ dân sinh...
Thời gian tới, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng mô hình, phối hợp với đơn vị hữu quan tăng cường hướng dẫn HV, ND nắm vững kỹ thuật và sản xuất được chế phẩm sinh học IMO, nhất là ứng dụng chế phẩm IMO trong xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh trong các trường học. Đồng thời đưa các phụ phẩm trong nông nghiệp trở thành nguồn tài nguyên tái tạo lại trong đất. Cùng với đó, làm thay đổi nhận thức của người ND theo hướng kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Qua đó, khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo mục tiêu “Kinh tế xanh Sen Hồng bứt phá” của tỉnh đề ra.