Tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế
Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho rằng một trong những lợi ích giáo dục tài chính số cho khách hàng nâng cao ý thức tiết kiệm, khả năng lập kế hoạch hoàn trả vốn vay của khách hàng.
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ châu Á, Mastercard cùng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia phối hợp tổ chức tọa đàm “Tăng cường tài chính số - Thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam.”
Buổi tọa đàm nhằm tăng cường nhận thức về ý nghĩa của tài chính số trong thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện ở Việt Nam thông qua chia sẻ kết quả triển khai dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - phổ cập tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam - gọi tắt là dự án Mobile Banking).
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình giúp khách hàng, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, qua đó đã góp phần thay đổi thói quen, tư duy của người dân nghèo, những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ khi còn e ngại tiếp cận sử dụng các ứng dụng công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hoàng Minh Tế, trong kỷ nguyên số, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có những quyết sách để giúp khách hàng của mình là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.
Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Ngoại giao thương mại Australia, Quỹ châu Á, Mastercard và các đối tác công nghệ, dự án Mobile Banking đã thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thành công nền tảng tài chính số phù hợp với các đối tượng phục vụ của mình.
Cũng theo ông Tế, với sự hỗ trợ của dự án, từ năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành triển khai công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS với nội dung nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng. Qua đó, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Quá trình triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động bắt đầu từ việc triển khai dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp đó là thí điểm triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và gần đây nhất là ứng dụng VBSP SmartBanking.
Vì vậy, sau gần 4 năm triển khai dịch vụ này đã có gần 32 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 5,9 triệu khách hàng có đăng ký số điện thoại di động với ngân hàng (chiếm 90% tổng số khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội). Đối với khách hàng, nhận tin nhắn thông báo một tháng trước ngày trả nợ và đóng tiết kiệm đã giúp họ chủ động hơn và lập kế hoạch tốt hơn trong quản lý và tài chính và tiết kiệm.
Trong khi đó, sau gần 2 năm triển khai, đến nay, ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã có 47.786 người/26 tỉnh, thành phố dùng, trong đó có hơn 25.759 là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Còn đối với ứng dụng VBSP Smartbanking, đến nay sau gần 3 tháng triển khai đã có 75.000 tài khoản, phát sinh hơn 642.000 giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng.
Ông Michael DiGregorio - Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cũng cho rằng một trong những lợi ích giáo dục tài chính số cho khách hàng nâng cao ý thức tiết kiệm, khả năng lập kế hoạch hoàn trả vốn vay của khách hàng. Tiết giảm thời gian từ hoạt động trả nợ của khách hàng, quản lý vốn vay cho tổ trưởng, có thể tham gia hoạt động tạo thu nhập. Ngoài ra, các khách hàng nữ thêm tự tin để bàn bạc, đưa ra quyết định về các hoạt động tạo thu nhập và thúc đẩy cơ hội tham gia hoạt động cộng đồng, sự gắn kết của tổ trưởng với Ngân hàng Chính sách xã hội./.