Tài chính tiêu dùng: Bức tranh thị phần đang được vẽ lại
Thị trường tài chính tiêu dùng đang chứng kiến làn sóng rút lui đồng loạt của nhiều ngân hàng nội, mở đường cho các tập đoàn tài chính nước ngoài gia tăng hiện diện và chiếm lĩnh thị phần.
Ngân hàng dần buông công ty tài chính tiêu dùng
Tín hiệu rút lui khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang ngày càng rõ rệt trong giới ngân hàng thời gian gần đây. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) bất ngờ hé lộ kế hoạch thoái vốn tại Mcredit - công ty tài chính mà MB đang sở hữu 50% cổ phần.
Động thái này sẽ khiến Mcredit không còn là công ty con của MB, qua đó đánh dấu bước lùi rõ nét của ngân hàng này khỏi sân chơi tài chính tiêu dùng, vốn từng là mảng được kỳ vọng lớn.
Cùng với MB, cổ đông còn lại tại Mcredit là ngân hàng Nhật Bản SBI Shinsei (nắm 49% cổ phần). Theo FiinRatings, đến cuối năm 2023, Mcredit đứng trong nhóm hai công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất cả nước với quy mô dư nợ cho vay khách hàng lên tới hơn 21.388 tỷ đồng. Dù vậy, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cùng yêu cầu đầu tư mạnh vào công nghệ và quản trị khiến nhiều ngân hàng dần cân nhắc lại chiến lược.

Mcredit đứng trong nhóm hai công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất cả nước (Ảnh: Mcredit).
Không chỉ MB, một trường hợp tương tự cũng đang diễn ra tại MSB. Trong phiên họp cổ đông năm nay, ngân hàng này tiếp tục trình kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính TNEX Finance (trước đây là FCCOM), hiện đang do MSB sở hữu 100% vốn điều lệ. Dù tổng tài sản của TNEX Finance tính đến cuối 2024 đạt hơn 3.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn khoảng 5 tỷ đồng, con số chưa tương xứng với kỳ vọng về hiệu quả đầu tư.
Theo giải trình từ phía MSB, việc đầu tư dài hạn vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng đòi hỏi nguồn lực lớn về công nghệ, nhân sự, sản phẩm và kiểm soát rủi ro - điều mà các ngân hàng đang cân nhắc kỹ trong bối cảnh cần tối ưu hóa danh mục đầu tư. Vì vậy, ngân hàng này đang tìm kiếm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn tại TNEX Finance.
Trên thực tế, làn sóng thoái vốn khỏi các công ty tài chính không còn là cá biệt. Trước đó, nhiều ngân hàng như VPBank, SHB, Techcombank, HDBank… cũng đã thực hiện động thái tương tự nhằm cơ cấu lại nguồn lực, rút khỏi những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn và lợi suất không còn hấp dẫn.
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng đang chứng kiến sự cạnh tranh dữ dội từ các công ty fintech và nhà đầu tư ngoại, việc các ngân hàng nội "nhường sân" được xem là bước đi mang tính chiến lược để tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi như tín dụng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng số và đầu tư chứng khoán.
Cuộc chơi mới của các đại gia ngoại
Khi nhiều ngân hàng nội địa đang dần khép lại cánh cửa với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, một thị trường từng được xem là "mảnh đất vàng", thì các nhà đầu tư nước ngoài lại đang tích cực bước vào, thậm chí cạnh tranh để giành phần lớn trong "miếng bánh" còn đầy tiềm năng này.
Mới đây nhất, SCB X - tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu của Thái Lan, đã chính thức công bố kế hoạch mua lại 100% cổ phần của Home Credit Việt Nam. Thương vụ này, trị giá khoảng 900 triệu USD, dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận.
Đây là thương vụ nổi bật không chỉ vì giá trị mà còn bởi tầm nhìn chiến lược: SCB X muốn mở rộng mạnh mẽ hoạt động tài chính số tại Việt Nam.
Trước đó không lâu, vào tháng 3/2023, ngân hàng UOB của Singapore đã hoàn tất việc thâu tóm mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam - bao gồm danh mục cho vay tiêu dùng, thế chấp, quản lý tài sản và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Thương vụ này giúp UOB tăng tốc đáng kể trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần khách hàng cá nhân trung lưu và thượng lưu.
Xa hơn nữa, vào năm 2021, thương vụ "bom tấn" của ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam diễn ra khi VPBank bán 49% cổ phần của FE Credit cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) với giá trị lên đến 1,4 tỷ USD. FE Credit, khi đó, là công ty tài chính tiêu dùng số 1 thị trường.

Thương vụ "bom tấn" của ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam diễn ra khi VPBank bán 49% cổ phần của FE Credit cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Ảnh: Fe Credit).
Không chỉ dừng lại ở những cái tên lớn như vậy, SHB cũng đã bán toàn bộ SHB Finance cho ngân hàng Krungsri (Thái Lan) - thành viên thuộc Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản MUFG. Techcombank và SeABank cũng lần lượt chuyển nhượng công ty tài chính của mình cho Lotte Card (Hàn Quốc) và AEON Financial (Nhật Bản).
Sự tương phản giữa xu hướng "thoái lui" của ngân hàng nội và "bành trướng" của các đại gia tài chính ngoại đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: Điều gì khiến nhà đầu tư quốc tế vẫn không ngừng tin tưởng và mạnh dạn rót vốn vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam?
Câu trả lời nằm ở tiềm năng tăng trưởng dài hạn mà thị trường Việt Nam đang nắm giữ. Với dân số hơn 100 triệu người, trong đó phần lớn là người trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa và tiêu dùng nhanh nhất Đông Nam Á.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người trưởng thành có tiếp cận tín dụng chính thức ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc.
Chính khoảng trống tín dụng ấy tạo ra dư địa rất lớn cho các sản phẩm tài chính tiêu dùng, từ vay tiền mặt, mua trả góp, thẻ tín dụng đến các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Không dừng lại ở đó, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, nhóm khách hàng sẵn sàng chi tiêu nhưng chưa có nhiều kênh tiếp cận tín dụng dễ dàng, càng thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng. Đây chính là "mỏ vàng" mà các nhà đầu tư ngoại không thể bỏ lỡ.
Ngoài ra, các tập đoàn tài chính nước ngoài thường có lợi thế lớn về vốn, công nghệ, hệ thống quản trị rủi ro hiện đại và chiến lược đầu tư dài hạn. Họ sẵn sàng chấp nhận thời gian đầu ít lợi nhuận để xây dựng thị phần, tạo nền tảng dữ liệu khách hàng và phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường bản địa. Trong khi đó, các ngân hàng Việt, trong bối cảnh cần tối ưu hóa hiệu quả vốn và giảm rủi ro, lại có xu hướng rút lui khỏi lĩnh vực có biên lợi nhuận không còn hấp dẫn như giai đoạn đầu.