Tài chính tiêu dùng muốn khai thác dữ liệu công dân
Các công ty tài chính tiêu dùng đề xuất tham gia chia sẻ dữ liệu thông qua Sàn dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng chỉ số tín dụng khách hàng làm cơ sở minh bạch hóa phát triển tài chính tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen.
Theo các công ty tài chính, trước nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, đặc biệt vào những thời điểm có tính mùa vụ, như những tháng cuối năm, mùa tựu trường… Cùng với đó, xu hướng số hóa và chuyển dịch tài chính tiêu dùng từ phi chính thức sang các tổ chức tín dụng chính thống hoạt động có phép trên thị trường. Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) mới đây đã đưa ra đề xuất trọng tâm nhằm tăng cường minh bạch thị trường, kiểm soát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính HDSaison - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng cho biết, các thành viên đã thống nhất triển khai sáng kiến đột phá. Trong đó, trọng tâm đầu tiên là đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cho phép các công ty tài chính tham gia kết nối và chia sẻ Sàn dữ liệu quốc gia về dân cư, một nền tảng trực tuyến do Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ (mới) và Văn phòng Chính phủ tổ chức. Mục tiêu của việc kết nối này để giúp các công ty tài chính khai thác dữ liệu dân cư, xác minh danh tính, kiểm tra thông tin lịch sử tín dụng một cách chính xác, giảm thiểu tình trạng giả mạo hồ sơ, cho vay quay vòng và nợ xấu.

Công ty tài chính có nhiều hình thức cho vay, trong đó cấp tín dụng theo hình thức phát hành thẻ cho người tiêu dùng thanh toán online
Theo thống kê của Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng, tính đến cuối quý I/2025, dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống tổ chức tín dụng nói chung đạt khoảng 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 20,85% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống, tăng khoảng 3,32% so với cuối năm 2024.
Kết quả này cho thấy vai trò ngày càng lớn của tín dụng cá nhân trong cấu trúc tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy các công ty tài chính đề xuất xây dựng “Chỉ số tín dụng công dân” nhằm đánh giá mức độ tuân thủ tài chính của mỗi cá nhân (dựa trên dữ liệu từ các tổ chức tín dụng), về hành vi trả nợ và thói quen tài chính. Các chuyên gia cho rằng chỉ số này sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay và cả người dân trong việc xây dựng hệ sinh thái tín dụng minh bạch, có kiểm soát.
Theo đó, các công ty tài chính có thể lên kế hoạch xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu Blacklist giữa các tổ chức hội viên – nơi lưu trữ thông tin về khách hàng có hành vi gian lận, trốn nợ, giả mạo giấy tờ, hoặc các nhân sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong ngành tài chính. Mô hình này được kỳ vọng sẽ tương tự hệ thống cảnh báo sớm của NHNN để phát hiện và cảnh báo những giao dịch đáng ngờ.
Ông Nguyễn Đình Đức thông tin thêm, Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng hiện nay đã thành lập nhóm pháp chế chuyên trách để rà soát và đề xuất sửa đổi hàng loạt văn bản pháp lý liên quan như Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực ngân hàng, Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các quy định liên quan đến cho vay cá nhân, tài chính số, định danh khách hàng điện tử (eKYC). Theo đánh giá của Câu lạc bộ, các văn bản hiện hành vẫn còn thiếu những quy định nhằm phân định rõ ràng hơn giữa hoạt động cho vay chính thống và “tín dụng đen”, gây ra hiểu nhầm từ phía người dân và tạo kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ này cũng khuyến nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để các công ty tài chính có thể tham gia thử nghiệm cơ chế sandbox cho mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) – lĩnh vực đang phát triển mạnh trên thị trường. Các công ty tài chính cũng đề xuất được tham gia thử nghiệm một số nền tảng tín dụng công nghệ theo mô hình “open finance” và AI chấm điểm tín dụng.
Về mặt truyền thông, ông Đức cho biết, trong các năm 2023-2024 vừa qua, Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng đã phối hợp tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm lớn như: “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen”, “Niềm tin người tiêu dùng với các dịch vụ tài chính số”, “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?”, “Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện”…
Trong thời gian tới Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng sẽ tiếp tục phối hợp các hội viên xây dựng diễn đàn chia sẻ dữ liệu và công bố Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho tài chính tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức mở rộng các hoạt động giáo dục tài chính người dân, đặc biệt với nhóm khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa - những người tiêu dùng dễ bị tác động bởi “tín dụng đen”. Các nội dung truyền thông sẽ tập trung và việc nâng cao chất lượng cho vay, siết chuẩn đạo đức nghề nghiệp và tăng cường sự giám sát xã hội đối với các hành vi tín dụng thiếu minh bạch.