Tài chính tiêu dùng vượt cú sốc lịch sử, kỳ vọng đón 'bình minh'
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô...
Tín dụng tiêu dùng có những bước phục hồi rõ nét trong năm 2024. Sang năm 2025, tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ bứt phá do nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ.
THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIÊU DÙNG VƯỢT "CÚ SỐC" LỊCH SỬ
Nhìn lại năm 2023, sau ba năm chống chịu với đại dịch Covid-19 và hàng loạt thách thức như xung đột, căng thẳng địa chính trị toàn cầu khiến chuỗi cung ứng và phân phối gián đoạn, các doanh nghiệp nội địa và FDI rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng.
Suy giảm đơn hàng đã khiến nhiều lao động mất việc, dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh. Điều này khiến thị trường tài chính tiêu dùng chịu tác động tiêu cực rõ rệt: nhu cầu vay mới gần như đóng băng, trong khi người có dư nợ đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập hoặc mất việc, không đủ khả năng trả nợ.
Hậu quả là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng lần đầu tiên ghi nhận mức giảm -9,1%, trong khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tăng vọt lên 11%, theo số liệu từ FiinGroup. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là "cú sốc" lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường dần xuất hiện những tia sáng lạc quan. Các chuyên gia đánh giá ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới, sau khi vượt qua những thử thách kinh tế khắc nghiệt của năm 2023.
Theo FiinGroup, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu, từng tăng từ 5,5% lên đỉnh 11% trong năm 2023, đã bắt đầu giảm. Kết thúc quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu ở mức 9,6%, tương đương giai đoạn năm 2021.
Một số đơn vị đã ghi nhận những bước tiến đáng chú ý trong bối cảnh thị trường dần hồi phục. Đơn cử, Mcredit đạt mức tăng trưởng cho vay 14,4% tính đến cuối tháng 9/2024 so với đầu năm. Thành quả này đến từ mức nền thấp của năm 2023 và việc tận dụng lợi thế từ các cổ đông lớn như MBBank và SBI Shinsei Bank.
Trong khi đó, HDSaison ghi nhận tăng trưởng tín dụng 7,3% so với năm 2023, được thúc đẩy bởi phân khúc cho vay xe máy – lĩnh vực mà công ty chiếm tới 36% thị phần.
Ngược lại, FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất, chứng kiến mức tăng trưởng cho vay đi ngang so với năm trước. Điều này xuất phát từ chiến lược tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, nhằm giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu.
Tính chung toàn thị trường, bao gồm cả các ngân hàng thương mại và công ty tài chính, dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 9/2024 đạt 3 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này bao gồm cả dư nợ từ hoạt động cho vay mua nhà để ở, cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu vay tiêu dùng.
ĐÓN "BÌNH MINH" TĂNG TRƯỞNG
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Với tăng trưởng GDP được thúc đẩy mạnh mẽ và thu nhập hộ gia đình cải thiện, nhu cầu tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ và cải cách từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho thị trường. Một điểm đáng chú ý là các khoản vay dưới 100 triệu đồng sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ, giúp đơn giản hóa quy trình và kích cầu vay vốn.
MBS cũng nhận định chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cải thiện vào năm 2025, nhờ vào ba yếu tố chính: Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi; Các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường quản lý rủi ro và áp dụng tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn; Nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn trong năm tới.
Trong khi đó, FiinGroup nhận định thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, do tỷ lệ thâm nhập hiện tại còn thấp. Đến cuối năm 2023, nợ vay tiêu dùng (bao gồm cho vay mua nhà để ở) chỉ chiếm 28,5% GDP – con số khiêm tốn so với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương như Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, và Thái Lan. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất lớn trong những năm tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Fiin Group cũng lưu ý rằng, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô nhưng tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Ngoài ra, thị trường này ngày càng trở nên phân mảnh, các công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và vừa, với mô hình kinh doanh tinh gọn và động lực tăng trưởng cao có cơ hội tốt để vượt lên, trong khi một số công ty hàng đầu có xu hướng chậm lại trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, một số đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Có thể thấy, lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Rủi ro tín dụng và nợ xấu. Việc khách hàng không trả nợ đúng hạn hoặc không thể trả nợ gia tăng trong bối cảnh các khách hàng vay có thu nhập không ổn định. Rủi ro tín dụng tăng cao, do một bộ phận người vay thiếu hiểu biết về khả năng tài chính của mình, dẫn đến việc vay quá mức và không thể trả nợ.
Cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các nền tảng vay trực tuyến đang gia tăng, tạo áp lực lên lợi nhuận, khiến các tổ chức tín dụng phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đôi khi không bền vững.
Sự xuất hiện của các công ty cho vay tín dụng không chính thức, “tín dụng đen" hoặc cho vay với lãi suất cao và điều kiện không minh bạch vẫn tồn tại, gây khó khăn cho thị trường cho vay tiêu dùng chính thống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Một số người tiêu dùng chưa có ý thức rõ ràng về việc quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến việc vay tiêu dùng không hợp lý, sử dụng tín dụng không đúng mục đích và không có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ cũng như kiểm soát rủi ro.