Chuyên gia hiến kế để Việt Nam vươn mình, tăng trưởng hai con số

Chuyên gia cho rằng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng hai con số vẫn còn nhiều thách thức, cần các giải pháp đồng bộ, linh hoạt.

Nhiều biến động khó lường

Nói về những thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, diễn biến trên thế giới dự báo còn phức tạp, khó lường, trong đó có cả biến động chính trị, xung đột vũ trang. Kinh tế Việt Nam lại là nền kinh tế mở, nên việc chịu tác động là điều khó tránh khỏi.

Đồng tình với nhận định này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng phân tích, kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2024-2026 tăng trưởng ở mức 3,2%, thấp hơn so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, mục tiêu mà chúng ta đặt ra là rất thách thức.

“Năm 2025, áp lực về tỷ giá là rất lớn, rủi ro về địa chính trị còn hiện hữu, rủi ro về thương mại tăng lên, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.

Cùng bàn về những thách thức trong phát triển kinh tế Việt Nam năm 2025 và những năm tiếp theo, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng dự báo: “Các chính sách bảo hộ thương mại sẽ tác động rất mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó ở trong nước giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu”.

 Bên cạnh thuận lợi, tiềm năng thì để kinh tế Việt Nam tăng trưởng hai con số vẫn còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh thuận lợi, tiềm năng thì để kinh tế Việt Nam tăng trưởng hai con số vẫn còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Còn theo PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thách thức đầu tiên sẽ đến từ việc xung đột địa chính trị trên thế giới chưa có dấu hiệu được kiểm soát mà còn nguy cơ lan rộng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực vốn đang phát triển và hội nhập rộng của Việt Nam. “Chính phủ cũng rất chú trọng vào việc xuất khẩu để làm tiền đề hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Vậy nếu chính trị thế giới chưa ổn định sẽ tác động mạnh đến mục tiêu xuất khẩu của chúng ta. Ngành vận chuyển, nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Thịnh dẫn chứng.

Tiếp đó, ông Thịnh cho rằng việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và nhậm chức vào thời gian tới cũng sẽ có những chính sách mang lại nhiều tác động tới nền kinh tế Việt Nam.

“Như nhiệm kỳ trước, ông Trump có nhiều chính sách về thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế cao hơn đối với một số quốc gia. Trong khi đó Việt Nam đang là một quốc gia tăng dư, cán cân thương mại với Mỹ rất lớn. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế nặng”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cách nào để vượt khó?

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5% nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua. Vì thế, chúng ta cần phát huy nội lực, đó là tiêu dùng và đầu tư.

Về trung hạn, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Bởi theo các chỉ báo và đánh giá về năng lực cạnh tranh thì đây là những điểm nghẽn, điểm dưới mức trung bình của Việt Nam trong thời gian qua. Khắc phục được điều này thì mới có thể tăng trưởng nhanh và bền vững.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên vươn mình. (Ảnh minh họa: Báo chính phủ).

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên vươn mình. (Ảnh minh họa: Báo chính phủ).

Phân tích kỹ hơn, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhấn mạnh: Việt Nam cần phải dựa trên những động lực tăng trưởng cả cũ và mới. Trong đó, động lực cũ gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Còn động lực mới thì liên quan đến chuyến đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, từ đó tạo ra niềm tin, kích thích hứng khởi, kích thích tiêu dùng.

Đối với động lực tăng trưởng cũ, chúng ta cần nhiều giải pháp như đa dạng hóa về xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA, thúc đẩy đầu tư công. Cùng với đó phải kích thích đầu tư tư nhân từ khoảng 7% năm 2024 lên 8-9% năm 2025. “Vừa rồi một số bộ, ngành, địa phương giải ngân đầu tư công khá tốt, nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất chậm”, TS Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, muốn tăng trưởng kinh tế cao thì chúng ta cần có một số điều kiện cần đạt được, trong đó những động lực tăng trưởng cũ như xuất khẩu, nhập khẩu cần phải làm tốt hơn, vận hành tốt hơn, chất lượng cao hơn, hiệu suất cao hơn.

Phải quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đầu tư, trong đó có đầu tư công và đầu tư khu vực tư nhân. Đối với đầu tư công, cần quan tâm đến cả số lượng nhiều hơn và chất lượng đầu tư tốt hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, giải ngân nhanh hơn, quy trình thủ tục rút ngắn hơn. Đối với khu vực đầu tư tư nhân, trong 5 năm qua tăng trưởng rất chậm so với những năm trước đó. Do vậy, muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư tư nhân”, chuyên gia Lê Duy Bình nói.

Trong khi đó, theo ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân thì cần phải có sự đột phá mạnh hơn về thể chế theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương đầu tàu phát triển để tháo gỡ được những ách tắc hiện nay, tiết kiệm thời gian cho sự phát triển, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn năm 2024 chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM gộp lại đã có 1 triệu tỷ tiền thu ngân sách, chiếm hơn 50% tổng thu. Do vậy chúng ta cần có chính sách đặc thù cho 10 địa phương đầu tàu có quy mô kinh tế lớn nhất là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc để kéo nền kinh tế của cả nước tăng trưởng”, ông nói.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh lại nhấn mạnh hơn về thị trường tài chính, tiền tệ trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát để điều hành tỷ giá USD/VND một cách tốt nhất, nhằm giữ vững được cân đối vĩ mô, từ đó có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu cũng ổn định hơn và tác động tích cực đến tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có thêm những chính sách tài khóa để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước bứt phá. “Thực tế nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi khá bền vững, có thể quay trở lại những chính sách bình thường như trước đây. Tuy nhiên, 2025 là một năm rất quan trọng, là một năm bản lề để bước sang nhiệm kỳ tiếp theo. Cho nên, nếu có thể hỗ trợ được gì trong năm nay thì nên hỗ trợ hết mình để các doanh nghiệp có đà bứt phá, tạo tiền đề bước sang kỷ nguyên mới”, ông Thịnh tư vấn.

Về vai trò của doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh cần phải thay đổi rất lớn từ tư duy cũng như cách thức quản lý đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp dám đổi mới hơn, dám sáng tạo hơn, không chỉ ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà phải được triển khai cả ở doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ nguồn lực về tài sản rất lớn.

Theo đó, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số. "Thách thức của chuyển đổi số không ai khác chính là thói quen cũ và cách tạo giá trị gia tăng cũ. Cần xem chuyển đổi số như cuộc chơi, bài test để doanh nghiệp thay đổi tương lai của mình", ông Doanh nhấn mạnh.

Nhóm PV

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-hien-ke-de-viet-nam-vuon-minh-tang-truong-hai-con-so-ar919351.html