Tài chính toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau

Tài chính toàn diện là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.

HDBank Phú Thọ xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tăng khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, tăng tính tiện ích cho khách hàng.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững.

Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm hướng tới mọi người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm, bền vững.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ phấn đấu 100% các đơn vị thực hiện trả lương ngân sách qua tài khoản, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; gần 100% các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội được thanh toán không dùng tiền mặt; Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH), 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng ngân hàng, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm...Để thực hiện đạt các chỉ tiêu của chương trình tài chính toàn diện đã đề ra, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp, cụ thể hóa các nội dung trọng tâm của kế hoạch để triển khai thực hiện, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Các ngành, đơn vị chức năng, nhất là ngành Ngân hàng đã tập trung phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ tài chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế, phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm các loại phí, phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh…

Agribank Tân Sơn đã lắp đặt hai máy ATM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng tài chính, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tài chính, các ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, tạo thuận lợi, an toàn cho các giao dịch, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các bên tham gia thị trường. Cùng với đó, tiến hành xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng. Để nâng cao năng lực, kiến thức về tài chính cho người dân và doanh nghiệp, công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, trong đó tập trung chuyển tải các thông điệp liên quan đến kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tiến hành rà soát, sắp xếp, điều chỉnh vị trí và đầu tư mở rộng địa điểm cung cấp dịch vụ thanh toán với tổng số 768 máy POS, 171 máy ATM. Hầu hết các ngân hàng đã triển khai phát hành thẻ chip nội địa để thay thế cho thẻ từ nhằm thuận tiện và nâng cao tính an toàn cho người sử dụng. 100% các xã, phường, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; gần 100% các doanh nghiệp nộp thuế điện tử và các khoản phí, lệ phí, điện, nước, các khoản phí khác cũng được thực hiện qua hệ thống ngân hàng; gần 100% các đơn vị trả lương NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản. Ngoài ra cũng có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản, trên 70% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt tăng 11% so với năm 2020…

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh nhấn mạnh: Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Việc thực thi tài chính toàn diện là sự đóng góp quan trọng cho quá trình giảm nghèo, bất bình đẳng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau. Ngành Ngân hàng với vai trò chủ lực đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt để người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, giữ vững an ninh, tạo việc làm, đời sống và phúc lợi xã hội ở địa phương.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/tai-chinh-toan-dien-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau/190389.htm