Tài chính vi mô Thanh Hóa: Đồng hành với người phụ nữ nghèo
Văn hóa và Đời sống - Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động từ năm 2014, là 1 trong 3 tổ chức TCVM đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình tín dụng này có mục tiêu phát triển cộng đồng thông qua các dịch vụ tài chính, phi tài chính thân thiện, hiệu quả.
Nhờ vốn vay và sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của Tổ chức TCVM Thanh Hóa chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ (Nông Cống) đã mở được xưởng may.
Khách hàng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ và phụ nữ yếu thế sinh sống tại nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi, nên có nhiều hạn chế, như: Thiếu tự tin, thiếu kiến thức cơ bản về quản lý tài chính, không biết cách sử dụng vốn vay, không có tài sản thế chấp,... Vì vậy, sản phẩm dịch vụ của tổ chức cũng mang tính đặc thù, trong đó sự tận tình, gần gũi, thân thiện của cán bộ tín dụng là yếu tố cốt lõi. Khách hàng vay vốn không nhất thiết phải có tài sản thế chấp, chỉ cần được sự tín nhiệm của thôn xóm và các thành viên trong nhóm. Cán bộ tín dụng không chỉ có trách nhiệm thu phát vốn, mà còn trò chuyện, chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng cách thức sử dụng vốn vay hiệu quả. Với phương châm hoạt động lấy khách hàng làm trung tâm, TCVM Thanh Hóa xây dựng văn hóa ứng xử 5 trách nhiệm, 7 nguyên tắc, như: Minh bạch, định giá có trách nhiệm, chuẩn mực trong ứng xử, bảo mật thông tin khách hàng,...
Tính đến cuối tháng 1-2021, TCVM Thanh Hóa đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 44.803 khách hàng, dư nợ đạt 350,8 tỷ đồng, với 18.194 người vay, trong đó có 10,78% là người dân tộc thiểu số, 90% là phụ nữ ở 221 xã, phường của 19 huyện, thị trong tỉnh. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,26%.
Tham gia vay vốn tại TCVM Thanh Hóa, rất nhiều phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vốn vay, họ không chỉ được nâng cao nhận thức, năng lực, từ đó cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho các chị em trong thôn xóm. Qua đó, giúp nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Chị Lê Thị Hương ở xã Hoàng Giang (Nông Cống) cứ trả hết nợ lại tiếp tục vay vốn với mức cao hơn của TCVM Thanh Hóa để mở rộng cơ sở sản xuất gạch cốm xi. Sau hơn 15 năm nỗ lực, từ 2 bàn tay trắng, đến nay chị Hương đã có công việc ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trong thôn. Chị tâm sự: “Ngày ấy không có TCVM Thanh Hóa, có lẽ cuộc sống của gia đình tôi không được như bây giờ. Nhờ vốn vay và sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của tổ chức mà bản thân đã làm được nhiều việc mà trước đây chưa từng nghĩ đến".
Những tấm gương phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu nhờ vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều. Trước kia, chị Nguyễn Thị Huy 47 tuổi, ở thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ, (Nông Cống) có hoàn cảnh rất khó khăn. Năm 2015, cuộc sống của chị bắt đầu thay đổi nhờ được vay 10 triệu đồng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa trong thời hạn 18 tháng. Với sự tư vấn tận tình của cán bộ tín dụng và sinh hoạt với chị em cùng vay vốn, chị Huy có thêm kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Năm 2016, chị mạnh dạn mở xưởng may gia công túi đựng đồ cho siêu thị. Đến nay, việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 70 lao động, chủ yếu là phụ nữ địa phương với thu nhập cao và ổn định. Đặc biệt, chị Huy còn tạo điều kiện sắp xếp cho những chị em là hộ nghèo, hộ đơn thân, đông con, người sức khỏe yếu công việc nhẹ nhàng để có thêm thu nhập.
Bên cạnh hoạt động tài chính, với sứ mệnh là tổ chức hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, TCVM Thanh Hóa đã thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, như: Tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ, trao quà cho hộ nghèo, tặng sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo vượt khó, xây nhà tình nghĩa... Đặc biệt trong trận lũ lịch sử tháng 10-2017 xảy ra tại các huyện miền núi của tỉnh, TCVM Thanh Hóa đã tổ chức các đợt ủng hộ, trực tiếp đến các gia đình khách hàng bị ảnh hưởng thiên tai để động viên, giúp đỡ, gia hạn nợ, giãn nợ, đồng thời hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả, sớm phục hồi kinh tế.
Với những nỗ lực không ngừng, quá trình xây dựng và trưởng thành, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, như: Giải Tổ chức TCVM hướng tới tài chính toàn diện, giải Doanh nghiệp - doanh nhân tiêu biểu xứ Thanh, danh hiệu Tổ chức TCVM tiêu biểu toàn quốc từ năm 2008 đến 2019... Đó là nguồn động viên lớn để tập thể cán bộ nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa cố gắng hơn nữa trong sứ mệnh “bà đỡ” của các hộ thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ và đặc biệt là phụ nữ nghèo, nỗ lực vì sự phát triển chung của toàn xã hội.