Tài chính xanh tạo đột phá để thu hút dòng vốn ngoại

Những năm gần đây, tài chính xanh là các tiêu chí quyết định được nhà đầu tư quốc tế lựa chọn khi đưa ra quyết định đầu tư. Trong nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu theo hướng tài chính xanh và thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài rất thành công, điển hình như: Masan, Vinamilk, TH True Milk…

Tài chính xanh được xem là "tiền cho tương lai xanh", ngày càng trở nên quan trọng. Ảnh tư liệu

Tài chính xanh được xem là "tiền cho tương lai xanh", ngày càng trở nên quan trọng. Ảnh tư liệu

Sự tác động từ tài chính xanh đến dòng vốn ngoại

Tài chính xanh (green finance) là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững.

Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh

Tại Việt Nam, các tổ chức tài chính ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh để hỗ trợ các dự án và sáng kiến có tác động tích cực đến môi trường. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.

Phân tích về sự tác động của tài chính xanh đến việc thu hút dòng vốn ngoại thế nào trong thời gian tới, trả lời TBTCVN, ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng con người ngày càng nhận thức được những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sự phát triển bền vững nên đã và đang xây dựng những mô hình để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bởi thế, tài chính xanh rất cần thiết và là xu hướng trên toàn thế giới, với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

Do vậy, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam khi Việt Nam đang trong mối quan hệ hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tài chính xanh mang lại lợi ích về kinh tế và môi trường cho con người. Nó mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường cho các cá nhân và doanh nghiệp, cân bằng quá trình chuyển đổi sang một xã hội ít carbon, dẫn đến tăng trưởng toàn diện hơn về mặt xã hội.

Ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định, sức ép cả trong và ngoài nước đang mỗi ngày một lớn khiến áp lực buộc doanh nghiệp không thể trì hoãn. Tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô rất khiêm tốn do đó doanh nghiệp muốn tồn tại và lớn mạnh cần sự nỗ lực và tất nhiên cũng cần Chính phủ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng tiêu chí?

Ông Tuấn cho rằng, về phía doanh nghiệp để thu hút được tài chính xanh cần phải xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh thích hợp; chủ động thực hành quản trị xanh, hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có tác động tốt đến xã hội cũng như môi trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm được những văn bản hướng dẫn cụ thể và biện pháp hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững của đất nước; cần có các dự án, sản phẩm chuyển đổi xanh để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ tài chính xanh. Ví dụ như Masan, Vinamilk, TH True Milk… đã thu hút được nguồn vốn đầu tư từ tài chính xanh rất thành công.

Ông Tuấn cũng cho hay, cần xác định vai trò dẫn dắt của Chính phủ để kiến tạo phát triển hệ thống tài chính xanh. Trong đó, Chính phủ xây dựng chiến lược, tạo dựng thị trường và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh để thị trường hoạt động hiệu quả bằng việc tạo ra hành lang pháp lý công bằng.

Chính phủ cần xây dựng những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xanh đang là một xu hướng đầu tư tất yếu, đồng thời các quốc gia nhận đầu tư ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi một quốc gia nhận được các dự án đầu tư FDI sạch, sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ xử lý, thân thiện với môi trường hiện đại, vừa tăng được các lợi ích về kinh tế, vừa đảm bảo môi trường. Những lợi ích kinh tế này sẽ được sử dụng một phần giúp giải quyết các vấn đề về môi trường theo các phương cách khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.

Sắp tới dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành công nghệ, sản xuất chip và năng lượng tái tạo trong tương lai. Điều này phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư đến từ Tây Âu và Hoa Kỳ.

Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI và hướng đến thu hút FDI xanh như: tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết “xanh”…

5 lĩnh vực sẽ được ưu tiên khi phát triển tài chính xanh

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn xanh… đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, tài chính xanh đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết của Chính phủ tại COP26.

Giải pháp giúp gia tăng dòng vốn xanh là tập trung xanh hóa vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: nông nghiệp, nông thôn; giao thông đô thị với các phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; sản xuất tiêu dùng, phân phối sản phẩm; kinh tế biển.

Cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như: dự án, công trình, nhà máy xanh; khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo: xe điện, xe tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tai-chinh-xanh-tao-dot-pha-de-thu-hut-dong-von-ngoai-157909-157909.html