Tài chính xanh: Tiềm năng tại các thị trường mới nổi và thách thức từ khung pháp lý
Mặc dù được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số trong vòng 10 năm tới, lĩnh vực tài chính xanh vẫn đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý, rủi ro về tẩy xanh hay lợi nhuận thấp.
Tài chính xanh là gì?
Tài chính xanh là một lĩnh vực tài chính tập trung vào việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Nó bao gồm việc huy động và phân bổ vốn từ các nguồn khác nhau như ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ để tài trợ cho các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường.
Tài chính xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế lên môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra những cơ hội trong các ngành kinh tế mới. Tài chính xanh là một phần trong xu hướng ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Để huy động vốn phục vụ những mục đích thân thiện môi trường, các doanh nghiệp, chính phủ có thể phát hành trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh hoặc tìm đến các ngân hàng, tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay ưu đãi.
Dòng vốn này sẽ được sử dụng vào các dự án như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, giao thông xanh, năng lượng hiệu quả hay bảo tồn môi trường,... Ngoài ra, tài chính xanh còn bao gồm những hoạt động như thị trường tín chỉ carbon.
Theo nghiên cứu từ Spherical Insights, quy mô thị trường tài chính xanh vào năm 2023 là 4.180 tỷ USD và có thể đạt ngưỡng 28.710 tỷ USD vào năm 2033. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt hơn 21% trong giai đoạn trên, trở thành một trong những động lực chích thúc đẩy ngành tài chính.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thiếu các khái niệm, quy định pháp lý, chuẩn mực đã cản bước thị trường tài chính xanh. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, quy mô phát hành các sản phẩm tài chính xanh đã quay đầu giảm.
Tăng trưởng chậm lại và tiềm năng tại các thị trường mới nổi
Theo dữ liệu liệu từ Bloomberg New Energy Finance, khối lượng phát hành các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững trên toàn cầu đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2023, giảm từ 1.550 tỷ USD vào năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh là 1.800 tỷ USD vào năm 2021.
Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu xanh đạt 643,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các sản phẩm trái phiếu bền vững, trái phiếu liên kết bền vững, cho vay xanh và cho vay liên kết xanh đều giảm so với năm 2022.
“Thị trường đã chứng kiến tổng giá trị sụt giảm trong hai năm qua. Đầu năm, nhiều người vẫn tin tưởng rằng năm 2023 sẽ có sự tăng trưởng”, bà Jacomijn Vels, người đứng đầu về tài chính bền vững tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan).
"Tẩy xanh" là hành vi doanh nghiệp cố tình lừa dối khách hàng và các tổ chức có liên quan để xây dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp.
“Tẩy xanh” sẽ dẫn đến rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh.
Theo ING, nguyên nhân khiến nhu cầu về tài chính bền vững năm ngoái đi xuống là do nhà đầu tư đánh giá lại về thị trường, những lo ngại về "tẩy xanh" (greenwashing) và chờ đợi các quy định pháp lý rõ ràng hơn.
Mặc dù nhu cầu về các sản phẩm tài chính bền vững vẫn mạnh mẽ, ING cho biết các nhà đầu tư và ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ tiếp tục tìm kiếm những mô hình “chất lượng hơn”.
Theo nghiên cứu của Spherical Insights, nhờ các quy định pháp lý rõ ràng, châu Âu sẽ trở thành khu vực có quy mô tài chính xanh lớn nhất thế giới. Trong khi đó, châu Á sẽ trở thành khu vực phát triển nhanh nhất nhờ việc các chính phủ nhận thức rõ ràng về nguy cơ môi trường và hành động mãnh mẹ.
Các nhà nghiên cứu của ING dự báo nguồn cung trái phiếu ESG (môi trường, xã hội và quản trị) toàn cầu sẽ đạt 820 tỷ USD trong năm nay, so với khoảng 815 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Đồng thời, 40% số trái phiếu này sẽ được phát hành bằng đồng euro.
Nhà lãnh đạo của ING nói trên cũng cho biết sẽ không dễ để dự đoán thị trường tài chính bền vững sẽ đi về đâu trong năm 2024: “Các cuộc bầu cử tại Mỹ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tài chính bền vững”.
Tại Mỹ, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng phản đối các khoản đầu tư trong lĩnh vực ESG. Dự kiến, ESG sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.
Financial Times cho biết có ít nhất 49 dự luật “chống ESG” được đưa ra trên khắp nước Mỹ. Những ông lớn quản lý tài chính như BlackRock đã vướng vào cáo buộc không tôn trọng nghĩa vụ ủy thác khi áp dụng ESG vào trong các quyết định đầu tư của mình.
Ông Nick Robins, Giáo sư thực hành về tài chính bền vững tại Trường Kinh tế London, cho biết xu hướng chống lại ESG đã khiến các công ty tránh đầu tư vào các dự án bền vững vì lo sợ mức lợi nhuận thấp. “Tài chính xanh không chỉ còn là câu chuyện kỹ thuật, mà còn là một chủ đề mang nhiều màu sắc chính trị, đặc biệt tại những khu vực như Mỹ”, ông nói.
Tuy nhiên, ING cho biết tăng trưởng tài chính xanh, tài chính ở các khu vực khác trên thế giới đang có diễn biến tích cực. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ING vẫn kỳ vọng sự tăng trưởng lành mạnh.
Dù vậy, một số nền kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và dự kiến sẽ không thể chuyển đổi nhanh chóng về mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) như các khu vực như châu Âu.
Trong năm nay, ông Robins dự đoán giá trị đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng lên. “2023 là năm tài chính bền vững và tài chính xanh thực sự đổ bộ vào Ấn Độ và tôi tin xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay. Tại Brazil, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ thấy mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2024”.
Nỗ lực xây dựng quy chuẩn chung
Trong bối cảnh thị trường tài chính xanh chậm lại trong những năm vừa qua, các chính phủ, cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang nỗ lực xây dựng những khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực chung nhằm tránh vướng phải những lo ngại như "tẩy xanh".
Chẳng hạn, theo đưa tin từ Bloomberg, các quan chức EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về tiêu chí xếp hạng ESG. Những cơ quan xếp hạng ESG giờ đây sẽ cần được cấp phép và giám sát bởi Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA).
Tại châu Á, cơ quan quản lý tài chính của Indonesia đã đưa ra cơ sở phân loại hoạt động tài chính bền vững, bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích nghi biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái và chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn.
Trong khi đó, ba sàn chứng khoán lớn nhất tại Trung Quốc là Thượng Hải, Thẩm Quyến và Bắc Kinh đều đưa ra yêu cầu các công ty lớn phải công bố các báo cáo bền vững vào năm 2026 cho năm tài chính 2025. Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán nước này đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực ISSB (Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế) khi công bố thông tin về bền vững.
Tương tự, Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải tuân thủ tiêu chuẩn công bố thông tin ESG.
Năm 2024, đầu tư theo tiêu chí ESG đang nhanh chóng chuyển mình. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang phải đối mặt với làn sóng các quy định mới, những tiến bộ công nghệ và nhu cầu thị trường đang định hình lại cảnh quan tài chính. Đây là năm bản lề khi các cân nhắc ESG trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh và quyết định đầu tư.