Tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp
Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá cho ngành Nông nghiệp Thủ đô, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể, Hà Nội đã triển khai cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực và đã phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực. Toàn thành phố có trên 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Thành phố Hà Nội cũng đã tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, tổng diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của toàn thành phố Hà Nội đạt 7.762,02ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình, các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm thủy sản, trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi và đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Thành phố cũng đã thí điểm cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Để thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu, Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ...
Trên cơ sở những thế mạnh và đặc thù riêng, thành phố Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ cơ cấu lại tất cả các lĩnh vực. Trong trồng trọt, sẽ cơ cấu lại một số cây trồng chính như phát triển sản xuất lúa gạo (tập trung vào giống lúa Japonica phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu); mở rộng diện tích trồng rau, đậu các loại, cây ăn quả; phát triển vùng rau an toàn quy mô lớn 20-25ha trở lên… Về chăn nuôi, tập trung phát triển theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh...
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các sở, ngành đề xuất chính sách, giải pháp, xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, tạo tiền đề để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tai-co-cau-de-thuc-day-tang-truong-nganh-nong-nghiep-112326.html