Tái cơ cấu doanh nghiệp ngành công thương: Khó vì đất
Mới đây, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương lại bị 'bêu tên' trong danh mục các đơn vị chưa đạt kế hoạch tái cơ cấu đã đề ra.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và TP. Hà Nội là những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu kế hoạch, đặc biệt còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn.
Riêng Bộ Công thương, trong những đơn vị thoái vốn còn tồn đọng có giá trị lớn có Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo kế hoạch cổ phần hóa đến năm 2020, ngoài một số doanh nghiệp đã bàn giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ phải thực hiện cổ phần hóa tại 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và vật liệu xây dựng BMC.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tại 2 đơn vị này còn rất ì ạch.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về lý do chậm trễ, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc Bộ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vướng mắc về sắp xếp đất đai.
“Hiện Bộ đang thực hiện rà soát các quy trình, thủ tục thực hiện cổ phần hóa 2 doanh nghiệp này. Riêng với Tổng công ty Giấy, vướng mắc lớn nhất là việc thoái vốn tại Nhà máy Bột giấy Phương Nam”, bà Hoa cho hay.
Cụ thể, theo đại diện Bộ Công thương, Nhà máy Bột giấy Phương Nam là đơn vị sản xuất giấy đặc thù, có ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nguyên liệu của các nông - lâm trường nên phải thực hiện theo nghị quyết riêng của Chính phủ.
Theo đó, Nghị định 167 yêu cầu, khi thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện các phương án sắp xếp về nguồn đất, trong khi các đơn vị có nguồn đất lớn nên gặp khó khăn, trong đó có việc sắp xếp các nông - lâm trường, vùng nguồn nguyên liệu bị ảnh hưởng.
“Một số đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang đang thực hiện thu hồi đất để phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nên Tổng công ty Giấy cũng bị ảnh hưởng.
Bộ đã có chỉ đạo rà soát lại vùng nguyên liệu, đặc biệt liên quan đến sắp xếp, sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, trong khi hoạt động này theo Nghị định 167 rất chặt chẽ, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa”, bà Hoa lý giải.
Liên quan đến công tác tài chính, đại diện Bộ Công thương cho biết, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc về kiểm toán, nên cần thời gian thực hiện và sau khi xử lý phương án đất mới ra được quyết định cổ phần hóa.
Hiện nay, Tổng công ty Giấy và Công ty BMC đang thực hiện hoàn tất toàn bộ các quy trình, thủ tục cổ phần hóa báo cáo Bộ Công thương để thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, nếu chiểu theo quy trình lòng vòng tại các văn bản hướng dẫn, nhất là các quy trình thủ tục thực hiện phương án sắp xếp đất đai hiện đang ách tắc, thì chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, trong năm 2018, trước các vướng mắc đặc thù của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá và Công ty BMC khiến công tác cổ phần hóa chưa thực hiện được theo kế hoạch và đã báo cáo lên Chính phủ về những trường hợp này.
Tuy nhiên, đến nay, tiến trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Giấy và Công ty BMC gần như chưa tiến triển.
Về tiến trình thoái vốn tại VEAM, theo Quyết định 1232/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, Nhà nước cần thoái toàn bộ 88,47% vốn đến hết năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Công thương vẫn chưa có phương án thoái vốn cuối cùng do chưa xác định được giá khởi điểm.
Trong báo cáo gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án thoái vốn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục thoái vốn đến hết 2020, thay thế cho Quyết định 1232, Bộ Công thương cũng chưa có ý kiến về khả năng hoàn thành thoái vốn đến hết năm 2020 tại đơn vị này.