Tái cơ cấu ngân hàng cần thêm dòng vốn ngoại
Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang được đẩy mạnh, song cũng cần thêm nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Kỳ vọng dòng vốn ngoại
Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn (SCB) để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương. Thông tin này vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, an toàn cho hoạt động của SCB.
SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến Ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, có không ít nhà băng từng rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt, nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Các ngân hàng đang được kiểm soát đặc biệt khác là CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Bốn nhà băng này được yêu cầu phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp. Tổ chức tư vấn phát hành chứng thư thẩm định giá ngân hàng và cơ quan quản lý sẽ gửi Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán theo quy định.
Thị trường kỳ vọng, bên cạnh nhà đầu tư nội, dòng tiền mới với quy mô lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng cũng như tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược, nhất là đối tác ngoại. Đặc biệt, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh”.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng không chỉ cần vai trò hỗ trợ của Chính phủ, mà còn cần có sự tham gia của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ngoại, vì hệ thống tổ chức tín dụng đang tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, xử lý những vấn đề dang dở trong giai đoạn tái cơ cấu trước đây.
Trước đó, Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 thống nhất sẽ không sử dụng ngân sách để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu ngân hàng, thậm chí có thể xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% ngân hàng yếu kém. Dòng tiền “cũ” từ ngân hàng, nhà đầu tư nội, ngân sách nhà nước được nhìn nhận có những khó khăn. Do đó, dòng tiền mới với quy mô lớn từ nhà đầu tư ngoại được kỳ vọng góp phần hỗ trợ xử lý dứt điểm nợ xấu, những yếu kém của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, mục đích thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước đây khác với hiện tại. Khi đó, các nhà đầu tư chủ yếu nhắm vào các ngân hàng đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao và mục tiêu đầu tư trong thời gian chỉ khoảng 3 - 5 năm. Còn thời điểm này, hệ thống ngân hàng đang cần sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khối ngoại vào các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, hoạt động yếu kém.
Tổng giám đốc một ngân hàng nêu quan điểm, Việt Nam nên khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, bởi độ mở thị trường tài chính ngày càng lớn, trong khi nguồn lực tài chính tích lũy của nền kinh tế chưa cao.
Nới room ngoại cần đảm bảo hài hòa lợi ích
Kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng cũng như tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Giới phân tích cho rằng, để thu hút nguồn vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài cần được nâng lên. Thực tế, việc mở cửa thị trường tài chính sâu rộng hơn là điều mà hệ thống ngân hàng phải thực hiện theo lộ trình hội nhập. Nhưng mở đến đâu, vận dụng như thế nào để hài hòa lợi ích các bên là vấn đề đặt ra. Room cho nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng nội ở mức nào và cho phép họ được tham gia bao nhiêu là phép tính chưa có lời giải.
Nếu như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài đóng “vai phụ” thì hiện tại, để thuận lợi hơn trong việc xoay chuyển tình hình, họ muốn trở thành người chủ đạo, có vai trò chính trong quản trị điều hành tại ngân hàng đó. Điều này liên quan đến room. Do đó, không nhất thiết phải sở hữu 100%, nhưng nhà đầu tư ngoại cần đảm bảo họ sẽ kiểm soát về cơ bản hoạt động ngân hàng thì mới sẵn sàng tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành lưu ý, rủi ro có thể phát sinh từ sự tham gia mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó có thể là xung đột lợi ích với nhà đầu tư khác, hoặc sự dịch chuyển dòng vốn.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm, nới room ngoại là cần thiết, qua đó thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh...
Song theo ông Hùng, việc nới room cần thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Có thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần được quy định theo hướng phân loại theo nhóm ngân hàng, dựa trên đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng đã hoàn thành tiêu chuẩn Basel II, nâng cao lên chuẩn Basel III có thể được nới room ngoại.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Ngân hàng Nhà nước đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Theo ông Hà, gần 40 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn “nóng”, mang tính “đầu cơ”, hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.