Tái cơ cấu ngân hàng chậm trễ vì nghịch lý thiếu vốn, thiếu nguồn lực nhưng thừa thủ tục
Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang diễn ra chậm chạp, kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Có nhiều lý do khiến việc tái cơ cấu ngân hàng chậm, song có 3 nhóm nguyên nhân chính.
Thứ nhất, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, do đó các quy trình thủ tục, xin phép phê duyệt cũng cần qua nhiều lần và qua nhiều quy trình khác nhau, nên thời gian đòi hỏi rất nhiều. Thứ hai, nguồn lực để dành cho tái cơ cấu từ ngân sách nhà nước để bù đắp cho phần thiếu hụt của các ngân hàng phải tái cơ cấu lấy từ đâu, cân đối như thế nào, đến nay cũng rất khó. Do đó phải sắp xếp nguồn vốn khi mà có nhiều chương trình khác đang cần phải ưu tiên. Thứ ba, phần nguồn lực tham gia hỗ trợ các ngân hàng phải tái cơ cấu hiện nay vẫn chưa huy động được nhiều.
Ngoài 3 nguyên nhân trên, còn do yếu tố thị trường hiện nay vẫn đang bất thuận. Chỉ khi nào thị trường thế giới lẫn trong nước tốt lên, ít biến động để nhà đầu tư thuận hơn, khi đó quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ thuận lợi hơn. Cụ thể, trong bối cảnh bất thuận của thị trường, phương án tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng “0 đồng” hiện nay chưa thể xử lý dứt điểm ngay được.
Còn với tái cơ cấu các ngân hàng khác hiện có 2 phương án đang được xem xét thực hiện. Một là, có thể có một ngân hàng khác trong nước mạnh hơn, tốt hơn tham gia hỗ trợ. Hai là, chấp nhận bán cổ phần cho nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Việc này Ngân hàng Nhà nước đã nói rõ nhà đầu tư ngoại có thể tham gia vì chuyện nới “room” tương đối mở, nên nhà đầu tư quan tâm hay không họ sẽ tự cân nhắc. Về vấn đề này, hiện có nhiều lý do khiến nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà.
Thứ nhất, các định chế tài chính nước ngoài rất thận trọng khi hoạt động tại Việt Nam. Họ xem xét đầu tư và quản trị rủi ro sau đó với quy trình bài bản. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam rất thấp, giúp tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt khoảng 10%/năm. Họ hoạt động ở mức “bình bình” với chiến lược rất thận trọng, dù thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
Thứ hai, do thị trường tài chính và ngân hàng Việt Nam vẫn còn thiếu tính minh bạch, thiếu chuẩn mực và bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng một số ngân hàng nước ngoài thoái vốn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng nước ngoài liên doanh với các ngân hàng trong nước đang muốn chuyển từ hiện diện tại Việt Nam thành ngân hàng con, nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chính vì vậy họ tham gia các kênh khác để trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông tài chính trong các ngân hàng Việt Nam.
Thực tế nhà đầu tư nước ngoài và định chế tài chính quốc tế tham gia thị trường Việt Nam khá sớm. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có 9 ngân hàng có sở hữu vốn nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh và một số tổ chức có góp vốn vào các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm là trong khoảng 10 năm qua, thị phần tổng tài sản của khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh tại Việt Nam vẫn loanh quanh ở mức 10%.
Bên cạnh đó, hiện room sở hữu của ngân hàng nước ngoài vẫn chưa sử dụng hết tỷ lệ trần 30% tại các ngân hàng trong nước. Trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước, mới có Vietcombank, Vietinbank và BIDV có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 16,7-25,5%. Còn các ngân hàng cổ phần, tuy một số đã sử dụng gần hết room cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 27-28%, song nếu mời chào cũng chưa chắc nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia, do họ có chiến lược của họ, không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”.
Tóm lại, những khó khăn trong việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện hỗ trợ, quy trình thủ tục và nguồn lực ngân sách nhà nước, đã khiến kết quả triển khai thực hiện việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.