Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững

Khẳng định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ chủ động trong triển khai nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và bảo đảm nâng cao đời sống của người dân.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Triển khai kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2016 - 2020, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tỉnh đã chuyển đổi 37.714ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và tái canh được 12.587,5ha cà phê. Toàn tỉnh hiện có gần 28.131ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hơn 186.885ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn.

Khảo sát giống cây trồng công nghệ cao. Nguồn: ITN

Khảo sát giống cây trồng công nghệ cao. Nguồn: ITN

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 18 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.490ha, tập trung vào các cây trồng chính như: chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa. Đến nay, 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh có khoảng 142.818ha cây trồng các loại thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đối tượng tham gia liên kết gồm 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác với hơn 11.862 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh từng bước định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng cây trồng tập trung đã tạo nguồn nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến phát huy công suất thiết kế, tạo ra các sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều mô hình phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi sản xuất cà phê, mía đường, mì, rau quả... Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng, hình thành 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông - lâm sản, trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp làm đầu chuỗi liên kết để hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.

Chủ động triển khai các giải pháp

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai Lưu Trung Nghĩa, với sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đã góp phần từng bước nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, quá trình triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng gặp những tồn tại, vướng mắc.

Theo đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng về thủy lợi, giao thông tại các vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tỷ lệ chế biến sâu về nông sản vẫn còn thấp. Chưa kể, các loại hình thiên tai như: hạn hán, mưa giông, lốc, sét… và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và dân sinh.

Khẳng định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch hành động Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã đề nghị, các địa phương cần chủ động trong triển khai.

Đồng thời, cần tập trung quy hoạch lại ngành nông - lâm nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thu hút nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, cần tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng các nhà máy chế biến sau thu hoạch nhằm tạo ra giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, cần quan tâm tăng cường đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông, logistics để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, công nghệ chế biến vào vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững. Khuyến khích chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo giá trị gia tăng; tăng cường ứng dụng số hóa trong nông nghiệp; có chính sách khuyến khích đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Vân Phi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-de-phat-trien-ben-vung-i291264/