Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào khu vực nông thôn, nông nghiệp; thực hiện tái cơ cấu hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Gặt hái những trái ngọt
Với việc triển khai các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm dần các loại cây kém hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ngành Nông nghiệp huyện Bình Liêu đã gặt hái nhiều thành quả, nhất là lĩnh vực trồng trọt. Huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung cây dược liệu, dong riềng, cây sở. Toàn huyện hiện có trên 122 ha trồng cây dong riềng, một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu), cho biết: HTX hiện có gần 15 ha trồng dong riềng, sản lượng khoảng 403 tạ củ/ha. Mỗi năm, HTX sử dụng khoảng 600-800 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất khoảng 20-25 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu 2-3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10-15% doanh thu. Để tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm miến dong, HTX có kế hoạch đầu tư thêm thiết bị sấy trữ bột dong, từ đó khắc phục nhược điểm sản xuất theo mùa vụ, có thể sản xuất miến dong quanh năm.
Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bình Liêu chú trọng xây dựng các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ gia đình, HTX đã tham gia tích cực các dự án: Bảo tồn và phát triển giống gà Cao Sơn; ứng dụng KHCN để cải tạo và phát triển đàn bò thịt... Đến nay, huyện có trên 30 hộ tham gia dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức gia trại.
Huyện hiện tổng đàn gia súc khoảng 10.400 con, đàn gia cầm 112.000 con. Nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện các năm gần đây bình quân đạt trên 300 tỷ đồng/năm. Đời sống người dân cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt trên 22,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,25%.
Đời sống người dân miền núi ở huyện Hải Hà cũng ngày càng được cải thiện nhờ nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện Hải Hà đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đến nay đã hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi... Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ…
Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện quy hoạch 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng trồng lúa thâm canh; vùng trồng ngô thâm canh; vùng trồng rau an toàn; vùng trồng mía tím; vùng trồng chè; vùng trồng cây ăn quả; vùng trồng cây dược liệu. Huyện dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng mới các giống chè: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh. Huyện đưa thêm nhiều mô hình sản xuất mới, hướng dẫn người dân ứng dụng, phát triển: Giống lúa mới RVT, Đài thơm 8, VNR20, VRN 95, ST25; các loại rau; trồng ghép giống na mới Đài Loan...
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; hình thức tổ chức tiên tiến gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ.... Các chỉ tiêu đề ra của ngành trong giai đoạn 2020-2022 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao, như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hằng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%...
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp ước đạt 4,51%, cao hơn 1,21 điểm % so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,3% trong GRDP. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, gắn với nhu cầu thị trường, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế và giá trị tăng cao.
Theo nhận định từ ngành Nông nghiệp, kết quả sản xuất nông nghiệp là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này thể hiện ở cách điều hành linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả của tỉnh. Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Hướng tới tăng trưởng bền vững
Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025 (UBND tỉnh ban hành ngày 10-1-2022), đặt mục tiêu tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững (nông nghiệp hữu cơ, bền vững, sinh thái, thực phẩm xanh, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...).
Qua đó phát triển kinh tế nông nghiệp trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập của nông dân, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh.
Nông dân xã Quảng Long (huyện Hải Hà) thu hoạch lá chè tươi. Ảnh: Thanh Tùng
Ngành Nông nghiệp đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP của tỉnh là 3-5%; tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành khoảng 3,5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới nước đạt 90% so với tổng diện tích gieo trồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn khoảng 5.000 USD/năm; sản lượng lương thực khoảng 230.000 tấn/năm; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 124.388 tấn/năm; trồng rừng tập trung trên 10.000 ha/năm; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 177.000 tấn/năm; cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; tỷ trọng chăn nuôi tăng 55%-60% trong cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi…
Để đạt được kết quả đó, ngành Nông nghiệp chủ động phát triển các nhóm sản phẩm lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; phát triển công nghiệp chế biến và quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm và thủy sản.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Tất Thắng: Sở tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực; trong đó triển khai cơ chế chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN; hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn hiện đại; đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Trước mắt, Sở tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa các loại, hoàn thành kế hoạch năm 2022 trồng mới khoảng 2.500ha cây lim, giổi, lát bản địa ở những địa phương có điều kiện phù hợp. Phát triển nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao; đẩy nhanh chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, chậm nhất đến hết năm 2022 hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương; tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông nghiệp thực sự cần thiết, cấp bách, các công trình về giáo dục, y tế, giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến hết năm 2022 thêm 4 đơn vị cấp huyện (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu và Ba Chẽ) và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; năm 2023 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.