Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 3: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. 5 năm qua, lĩnh vực kinh tế này phát triển khá toàn diện, bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 1: Nâng cao giá trị sản xuất từ chuyển đổi đất lúa
● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng, năng suất lúa
ĐỘT PHÁ TRONG NUÔI TÔM
Cùng với cây lúa, con tôm là đối tượng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh quan tâm phát triển nghề nuôi tôm, quy hoạch mở rộng diện tích thả nuôi, xác định loại hình nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái để đạt hiệu quả cao, giảm rủi ro. Đến nay, tỉnh hình thành vùng chuyên nuôi tôm nước lợ với diện tích khoảng 136.000ha/năm (kế hoạch năm 2022 là 140.630ha), tập trung ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và một phần huyện Hòn Đất.
Mô hình tôm - lúa phát triển mạnh ở vùng U Minh Thượng được xem là một tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại vùng đất bị nhiễm phèn mặn và đang được đẩy mạnh phát triển ở khu vực phía nam quốc lộ 80 từ TP. Rạch Giá đến Ba Hòn (Kiên Lương). So với khi độc canh cây lúa trước đây, việc chuyển sang nuôi tôm - lúa giúp nông dân tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần.
Đến huyện An Minh, giờ đây không chỉ nói đến mô hình tôm - lúa, nhiều người còn bàn đến câu chuyện người dân trong huyện trúng mùa những vụ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn. Đang kiểm tra sự phát triển của tôm trong 3 bể nuôi được 20 ngày, anh Nguyễn Văn Học, ngụ ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh (An Minh) cho biết: “Tôi vừa thả nuôi vụ tôm mới được 150.000 con giống.
Gia đình thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn trong bể tròn, lắp đặt hệ thống nhà lưới và thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các bể nuôi. Nuôi theo mô hình này, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so nuôi truyền thống. Tuy nhiên, nuôi tôm theo mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư cao”. Theo đồng chí Lê Văn Khanh - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, từ năm 2017 đến nay, huyện có 44 hộ, với 74 ao, bể tròn ứng dụng theo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn. Diện tích bình quân từ 500-1.000m2/ao, hồ, sản lượng mỗi vụ từ 4-5 tấn/ao, hồ, lợi nhuận 100-200 triệu đồng/vụ nuôi. Mỗi năm người dân có thể nuôi từ 3-4 vụ.
Ngoài An Minh, những năm gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành và TP. Hà Tiên ngày càng tăng. Qua tổng kết giai đoạn 2016-2020 thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đánh giá nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp phát triển khá nhanh về diện tích, sản lượng, hiệu quả.
Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh hơn 5.056ha, sản lượng đạt 31.324 tấn, tăng 37,15% về diện tích và tăng 19,43% về sản lượng so năm 2015. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới như lót bạt đáy, 2-3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ biofloc có tính ổn định, ít rủi ro đang ngày càng phổ biến và được nhân rộng, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tôm.
NUÔI CÁ LỒNG BÈ CÔNG NGHỆ CAO
Sở hữu hơn 200km bờ biển và hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, Kiên Giang có lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển). Để nghề nuôi biển phát triển bền vững, UBND tỉnh ban hành khá nhiều văn bản quy hoạch, định hướng phát triển nghề nuôi biển trong từng giai đoạn, đẩy mạnh tổ chức lại nghề nuôi biển theo hướng liên kết chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo ngư dân tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, thực hiện tốt các biện pháp, kỹ thuật nuôi, áp dụng quy trình phòng bệnh tổng hợp để hạn chế ô nhiễm môi trường, cá nuôi đạt sản lượng và chất lượng.
Nuôi cá lồng bè là hình thức nuôi biển chính của Kiên Giang, tập trung nhiều ở TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, 2 huyện Kiên Lương và Kiên Hải. Đối tượng nuôi phong phú, phổ biến là cá bớp, cá bống mú, cá chim, cá chim vây vàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, những năm qua, nghề nuôi cá lồng bè của tỉnh có sự tăng trưởng khá cả về quy mô lẫn chất lượng (nếu không kể đến đại dịch COVID-19), tạo nguồn thu nhập tốt cho ngư dân, góp phần giảm nghèo. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 2.848 lồng bè nuôi, sản lượng 2.720 tấn. Đến năm 2021, số lượng thả nuôi tăng lên 3.612 lồng nuôi (tăng 1,27 lần), sản lượng thu hoạch 3.090 tấn.
Cùng với việc nuôi cá lồng bè trên biển truyền thống, Kiên Giang đang hướng đến những mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh thực hiện một số giải pháp đồng bộ, kết hợp thực hiện những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả. Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú triển khai nuôi cá chim trắng, cá hồng Mỹ bằng lồng tròn theo công nghệ Na Uy tại xã Gành Dầu (TP. Phú Quốc), năng suất trung bình 25 tấn/lồng. Công ty đang đầu tư thêm 7 lồng nuôi mới, sản lượng nâng lên khoảng 300-350 tấn/năm.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư nuôi biển, Tập đoàn Mavin và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam đã khảo sát chọn vùng nuôi biển công nghiệp tập trung ở quần đảo Nam Du (Kiên Hải). Đây là 2 doanh nghiệp nuôi biển hàng đầu, áp dụng công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.
Tại hội thảo phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Kiên Giang ngày 28-4-2022, ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam cho biết: “Công ty đã đến Kiên Giang khảo sát và chọn quần đảo Nam Du để triển khai thực hiện dự án nuôi biển công nghiệp. Tổng vốn đầu tư dự kiến 25 triệu USD, quy mô mặt nước biển 325ha, công suất thiết kế từ 25.000-30.000 tấn cá/năm, rong biển 3.500 tấn/năm. Dự án triển khai sẽ tạo ra gần 2.000 việc làm cho người dân địa phương phục vụ cho nuôi trồng và chế biến thủy sản, đóng góp cho ngân sách nhà nước lên đến 10 triệu USD”.
Ngoài nuôi cá lồng bè trên biển, lĩnh vực nuôi nhuyễn thể không ngừng tăng về diện tích giúp khá nhiều cư dân các địa phương ven biển như An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương và TP. Hà Tiên cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Năm 2022 là năm thứ hai Kiên Giang triển khai đề án phát triển nuôi biển bền vững đến năm 2030 theo Quyết định số 3214/QĐ-UBND, ngày 31-12-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Với việc thực hiện đề án này, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.