Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao
Qua hơn 6 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với ứng dụng công nghệ cao, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận dần đi vào ổn định và có định hướng cụ thể, từng bước hình thành nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sản phẩm đa dạng và thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn.
Chuyển đổi cây trồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được tỉnh triển khai tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, trong năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng khác hiệu quả hơn; bước đầu tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quản canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước tưới.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được triển khai tích cực. Tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2019 đạt 787.569 tấn, tăng hơn 8% so với năm 2013.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng nông sản mà đặc biệt là thanh long đã được quan tâm cải thiện; phương thức sản xuất được chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết sản xuất.
Bình Thuận hiện có khoảng 10.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, đạt khoảng 35% diện tích toàn tỉnh. Việc ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long.
Một trong những địa phương triển khai hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là huyện Tuy Phong. Nếu như trước đây Tuy Phong được biết đến là nơi đất đai khô cằn với khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp nhất cả nước… thì nay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những vùng đất hoang hóa được thay bằng màu xanh cây trái. Người dân đã đưa rất nhiều giống cây về thử nghiệm; trong đó, nhiều loại cây đặc sản mang lại hiệu quả trên vùng đất này như thanh long, nho, xoài, dừa… Vùng đất Tuy Phong đang nổi lên như một điểm nhấn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong, nhờ chủ trương đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng.
Hiện toàn huyện có 14 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn các trang trại được đầu tư quy mô lớn, mang tính bền vững cao, khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả, tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả trong diện tích hơn 70.000 ha đất nông nghiệp. Các trang trại cho thu nhập trung bình từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Ứng dụng công nghệ cao
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hiện tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với diện tích 2.000 ha, dự kiến phát triển các loại cây trồng có giá trị, thích nghi khô hạn như nhóm rau các loại, gia vị (hành, tỏi), cây dược liệu (lô hội, đinh lăng), cây lương thực và một số cây ăn trái nhiệt đới tưới ít nước…
Mục tiêu của dự án này là xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt từ 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Năng suất cây trồng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống. Đến nay tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, thì mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng thanh long lần đầu tiên của tỉnh cũng đang được triển khai tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Mô hình này không trồng thanh long theo cách truyền thống là trồng từng trụ, mà trồng theo hình thức dây leo từng giàn, vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả kinh tế cao hơn với cách làm truyền thống. Mô hình canh tác sử dụng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc hóa học…
Tỉnh Bình Thuận cũng đánh giá đây là mô hình kiểu mẫu có thể nhân rộng để bà con nông dân học tập và mạnh dạn thay đổi phương pháp trồng truyền thống, qua đó tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng.
Ông Phạm Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á (đơn vị triển khai trồng thanh long giàn tại huyện Bắc Bình) cho biết, doanh nghiệp đã triển khai trồng thanh long theo hướng công nghệ cao, theo giàn. Diện tích thanh long này nằm trong dự án với quy mô 60ha. Phương pháp trồng thanh long mới này cho năng suất và hiệu quả gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích; tăng sản phẩm đầu ra dù giá thành sẽ cao.
Hiện tại, đối tác ở bên nước Australia đã chấp nhận và đồng ý công nhận sản phẩm của công ty là thanh long Organic (thanh long sạch). Bên cạnh đó, công ty đang áp dụng công nghệ cao triển khai trồng dưới lưới trong nhà màn, bước đầu đã mang lại hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; trong đó, xác định phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả là khâu then chốt phải tập trung quyết liệt.
Thông qua các cơ chế, chính sách, Bình Thuận tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; hợp tác liên kết “4 nhà”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình khép kín: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Bình Thuận cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư công gắn với thu hút đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế.