Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Liên kết phát triển cây trồng chủ lực
Tại tỉnh Quảng Trị, chính sách tập trung phát triển 6 cây chủ lực gồm: Cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, cây gỗ rừng trồng, cùng với thực hiện chương trình 'mỗi xã sản phẩm' gắn với xây dựng thương hiệu đã và đang tạo động lực cho tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua đó giúp tăng nhanh giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao.
Chính sách khuyến khích phát triển 6 cây trồng chủ lực gồm: Cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, gỗ rừng trồng, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Trị, đã và đang giúp tăng nhanh giá trị và có đầu ra ổn định cho nông sản.
Giai đoạn từ năm 2017 - 2019, cây ăn quả nổi lên là cây trồng chủ lực ở Quảng Trị, bởi cho giá trị kinh tế cao như cam sạch được trồng ở vùng gò đồi huyện Hải Lăng, dưa lưới trồng theo công nghệ Nhật Bản ở huyện Gio Linh; dưa hấu sạch ở huyện Vĩnh Linh, chanh leo và chuối mốc ở huyện miền núi Hướng Hóa.
Ông Lê Đình Phức, chủ trang trại trồng chanh leo dưới chân đèo Sa Mù ở xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa cho biết, chanh leo được người nông dân ở huyện miền núi Hướng Hóa đưa vào trồng từ năm 2017 đến nay đã cho giá trị kinh tế cao.
Hiện ông Phức đang trồng 1 ha chanh leo, sản lượng bình quân mỗi năm trên 20 tấn chanh thành phẩm. Với giá bán chanh leo khoảng 15.000 đồng/kg, cho doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Năm đầu tiên, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 180 triệu đồng cho việc mua cây giống và hệ thống cơ sở hạ tầng, ông Phức còn lãi 120 triệu đồng. Những năm tiếp theo, do không tốn chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bình quân mỗi ha chanh leo lãi ròng khoảng 250 triệu đồng/năm.
Huyện miền Hướng Hóa đã có gần 50 hộ dân tham gia trồng khoảng 32 ha chanh leo, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 500 tấn/năm.
Diện tích chanh leo dự kiến được mở rộng khoảng 100 ha vào cuối năm 2019. Đáng chú ý, nông dân huyện Hướng Hóa đã liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc sản xuất chanh leo để xuất khẩu. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân kỹ thuật, cây giống và thu mua sản phẩm để xuất khẩu.
Ngoài các giống cây ăn quả, lúa hữu cơ chất lượng cao cũng mới được đưa vào sản xuất từ năm 2017 đến nay, nhưng đã mang lại hiệu quả cao. Vụ Hè Thu 2019, Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh có 50 hộ dân tham gia canh tác 23 ha đất lúa hữu cơ.
Ông Nguyễn Giang, Giám đốc Hợp tác xã Phước Thị cho biết, đầu ra cho lúa hữu cơ rất ổn định, do chất lượng gạo an toàn cho người tiêu dùng. Năng suất lúa hữu cơ cũng cao, đạt 70 tạ/ha. Lúa hữu cơ tươi bán được 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha mang lại lợi nhuận từ 20-23 triệu đồng, gần gấp đôi so với sản xuất lúa truyền thống.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã sản xuất được 105 ha lúa hữu cơ/vụ; tập trung trên cánh đồng lớn ở các huyện: Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị và các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, đã khẳng định được hiệu quả về kinh tế và môi trường.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được các cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ, với diện tích từ 1.000 - 2.000 ha.
Bên cạnh đó, người dân trồng các cây chủ lực truyền thống như: cao su, gỗ rừng trồng, cà phê, hồ tiêu cũng đang chuyển hướng liên kết với doanh nghiệp để tăng giá trị và tìm đầu ra cho sản phẩm, thay vì “mạnh ai nấy làm” như trước đây.
Thời gian qua, giá tiêu sản xuất theo truyền thống ở Quảng Trị xuống thấp, chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg và khó tiêu thụ, khiến người dân trồng loại đặc sản này thua lỗ. Nhưng khi người trồng tiêu liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, thì đặc sản này vẫn có giá bán cao.
Minh chứng là Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nông sản xã Gio An, huyện Gio Linh, đang liên kết với Công ty Organics More Co.Ltd, sản xuất hồ tiêu hữu cơ, theo tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ. Xã Gio An đã có gần 63 ha hồ tiêu hữu cơ được sản xuất theo mô hình này.
Theo đại diện UBND xã Gio An, tiêu hữu cơ có giá bán 78.000 đồng/kg, cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với giá tiêu thị trường. Đặc biệt, xã Gio An đã xuất khẩu được trên 18 tấn hồ tiêu sang châu Âu.
Với hiệu quả vượt trội, mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, đang được nhân rộng tại Quảng Trị. Hiện có trên 2.500 ha hồ tiêu được trồng tại tỉnh này. Hồ tiêu ở Quảng Trị được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi hạt tiêu nhỏ, rắn, thơm nồng và có vị cay đặc trưng. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu ở các huyện: Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang khuyến khích, hỗ trợ người trồng cà phê liên kết với doanh nghiệp và tái canh cây trồng này. Tỉnh có khoảng 5.000 ha cà phê, tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa; trong đó, thương hiệu "Cà phê Khe Sanh" đã nổi tiếng từ hàng chục năm qua.
Để nâng cao chất lượng cà phê, từ năm 2018 tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, sang trồng các giống cà phê cho năng suất cao và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị dành trên 250 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tái canh từ 150 – 200 ha cà phê/năm.
Đối với trên 19.000 ha cao su ở vùng trung du và miền núi, tỉnh Quảng Trị cũng đang tập trung hỗ trợ người dân tái canh đối với diện tích cao su già cỗi hay bị sâu bệnh.
Trong khi đó, việc phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đã được nhân rộng. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đạt mục tiêu phát triển được ít nhất 60.000 ha rừng gỗ lớn FSC vào năm 2030, gấp 3 lần so năm 2019. Theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, trồng rừng gỗ lớn FSC cho thu nhập bình quân 150 – 200 triệu đồng/ha chu kỳ khai thác 10 năm, cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng rừng gỗ thông thường.
Việc phát triển rừng trồng nói chung, rừng gỗ lớn FSC nói riêng đã tạo nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào từ 800.000 – 1 triệu/m3/năm. Qua đó giúp ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm của Quảng Trị phát triển mạnh và đứng thứ hai của cả nước.
Đến tháng 10/2019, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được hơn 100 mô hình liên kết giữa doanh nghiệ̣p với nông dân có hiệu quả; qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân nông thôn và tăng thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Để phát triển cây trồng chủ lực và tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2018 - 2021,các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, được tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 50% chi phí thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tiền thuê đất của hộ gia đình, cá nhân với mức 30% đối với vùng khó khăn, 50% đối với vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian 3 năm; miễn 100% phí thuê đất hoặc thuế nông nghiệp trong 5 năm đầu tiên đối với doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp 100% kinh phí phục vụ đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính; nhà đầu tư được ưu tiên bố trí quỹ đất, giao đất, cho thuê đất…
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn tập trung sản xuất các cây trồng chủ lực trên cánh đồng lớn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 7.000 ha cây trồng chủ lực sản xuất trên “cánh đồng lớn”.
“Cánh đồng lớn” phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản về quy hoạch, tham gia liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, có diện tích tối thiểu đối với mỗi loại cây trồng như: lúa thương phẩm 20 ha, cao su 50 ha, hồ tiêu 5 ha, cà phê 10 ha… Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh dành trên 23 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham sản xuất “cánh đồng lớn” theo chuỗi giá trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện hiệu quả việc liên kết “4 nhà” là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và nhà đầu tư để tạo ra sản phẩm đầu ra phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.
Theo đó, thị trường đang có như cầu cao các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, được kiểm nghiệm chất lượng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tỉnh cũng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thông qua kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ…
Bài cuối: Phát triển 'Mỗi xã sản phẩm'