Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Linh
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại những hiệu quả thiết thực tại huyện Vĩnh Linh. Việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại sự thay đổi rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu; đưa vào sản xuất trên diện rộng những giống lúa có chất lượng cao để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Tỉ lệ sử dụng giống chất lượng cao trên địa bàn từ 80% năm 2017 tăng lên 85% năm 2020. Cơ cấu giống xác nhận và trên cấp xác nhận đạt trên 95%, đây là yếu tố cơ bản cấu thành năng suất lúa. Ngoài ra, với các phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, kết hợp sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu, về giống cây trồng có năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương đã từng bước thay đổi được phương thức sản xuất lạc hậu và ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, đưa hiệu quả sản xuất trên địa bàn ngày càng tăng lên.
Bên cạnh cây lúa, những cây màu, cây thực phẩm truyền thống của địa phương cũng được mở rộng diện tích, chuyển dần sang hướng chuyên canh, thâm canh cao như từ, tía, sắn dây, dưa đỏ…Địa phương đã đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ như mô hình trồng dưa, rau củ sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500 m2 , sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300 m2 tại xã Trung Nam; xây dựng vườn sản xuất tiêu sạch tại xã Kim Thạch; mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Hiền Thành; xây dựng các vườn trồng chuyên canh cây ăn quả có múi tại các xã Trung Nam, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn và thị trấn Bến Quan với tổng diện tích trên 30ha.
Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Địa phương đã thực hiện tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, thiết bị, hệ thống xử lý môi trường đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ vậy, toàn huyện Vĩnh Linh đã phát triển được hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHKT. Nhiều trang trại nuôi lợn, gà đã thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên doanh, liên kết với công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Sản xuất thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm, nuôi cá và các giống đặc sản khác. Đánh bắt xa bờ có chuyển biến tích cực và khá hiệu quả, người dân đã chủ động đầu tư nâng cấp tàu thuyền vươn khơi khai thác thủy sản, giảm số lượng tàu thuyền gần bờ và thuyền thúng không lắp máy. Cơ cấu thủy sản nuôi có sự chuyển dịch tích cực, nhiều đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao đã được đưa vào nuôi như cá chình, cá chẽm, cá leo... Các quy trình mới có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào áp dụng như quy trình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm hai giai đoạn theo quy trình sinh học.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu nên thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Linh đã có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp- thủy sản (theo giá cố định năm 2010) đạt 4,46%; tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2020 đạt 41.145 tấn; các loại cây trồng chủ lực khác tăng cả về diện tích và sản lượng. Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có 12/15 xã sau sáp nhập đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 3 xã miền núi Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê đạt 15 tiêu chí/xã.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM, phấn đấu trước năm 2025 huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được địa phương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới theo định hướng sẽ tiếp tục tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của địa phương; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng trang trại, gia trại. Đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, kết hợp sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong lĩnh vực trồng trọt sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo điều kiện cho việc sản xuất, chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của mỗi địa phương, vùng và khu vực theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực trồng trọt, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành trồng trọt cùng với nông dân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Vùng phía Tây của huyện sẽ chú trọng phát triển cây công nghiệp tập trung, trồng rừng, trồng cây ăn quả. Vùng đồng bằng xây dựng các cánh đồng lớn, các vùng chuyên canh sản xuất cây lương thực, cây màu đặc sản, cây công nghiệp.
Trong chăn nuôi sẽ tăng số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm; áp dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ mới vào lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Trong thủy sản sẽ duy trì và phát triển diện tích mô hình nuôi cá đang có hiệu quả; các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm công nghiệp, thâm canh đối với vùng ven biển bãi ngang để tận dụng diện tích đất cát ven biển và tăng năng suất. Cùng với đó là việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào chương trình xây dựng NTM, nâng cao chất lượng, số lượng tiêu chí NTM đạt được hằng năm của từng xã. Tiếp tục huy động, lồng ghép, bố trí nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM theo hướng xã hội hóa; huy động nguồn lực tại chỗ, trong dân là chính, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Tập trung đầu tư ưu tiên cho những công trình mang ý nghĩa, lợi ích cộng đồng cao, chú trọng đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.