Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng tầm giá trị nông sản ở Quảng Ngãi
Nông dân ở Quảng Ngãi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chế biến, nâng cao chất lượng cùng với liên kết tiêu thụ đã giúp nhiều mặt hàng nông sản được thị trường đón nhận, mức tiêu thụ tăng cao.
Lâu nay, câu chuyện đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp, dần tháo gỡ nút thắt, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.
Ông Lê Giang Phong, 47 tuổi, ở thôn 4, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức là người đầu tiên trồng thành công nấm linh chi ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2011, ông Phong thành lập HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận. Mỗi năm, HTX này sản xuất, cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn nấm các loại.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX dần mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm chất lượng từ các loại nấm như trà, rượu, khô sợi, bột nêm… Từ đó, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX hiện có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó, nấm linh chi Đức Nhuận được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
“Sau khi chế biến thành công và nâng cấp, các sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, các sản phẩm đã được đưa vào các cửa hàng sản phẩm OCOP, các cửa hàng thực phẩm sạch… nên sức mua tăng nhanh”, ông Phong chia sẻ.
Huyện Mộ Đức là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh Quảng Ngãi với 22 sản phẩm, trong đó một sản phẩm OCOP 4 sao. Địa phương này có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu nông sản trên thị trường như tổ chức Hội chợ OCOP, xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với sản phẩm OCOP, cửa hàng nông sản thanh niên trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Theo ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, sau khi các nông sản được công nhận OCOP, các tập thể, cá nhân người làm nông nghiệp đã gia tăng quy mô sản xuất, doanh thu tăng từ 15% – 20%/năm. “Huyện tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các DN liên kết với nông dân thực hiện chuỗi sản xuất. Huyện cũng đang định hướng mở rộng tổ chức các gian hàng bán sản phẩm OCOP ở các nơi. Đồng thời, đưa các sản phẩm này lên bán hàng bằng hình thức trực tuyến”, ông Lân cho hay.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi khẳng định, khi tỉnh làm tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất, đã tạo điều kiện thu hút các DN lớn vào đầu tư, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến.
“Sự vào cuộc của các DN giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và có thị trường ổn định. Việc gắn sản xuất với thị trường và chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm được thực hiện theo chuỗi khép kín từ khâu giống, quá trình canh tác, sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ. Quá trình này còn giảm được tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí đầu vào và tăng được lợi nhuận cho bà con nông dân”, ông Phương quả quyết.
Thời gian gần đây, nhiều DN, nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chế biến, nâng cao chất lượng nông sản. Chính quyền các địa phương, đơn vị cũng nỗ lực hỗ trợ nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Quảng Ngãi được thị trường đón nhận, mức tiêu thụ tăng cao.
Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”, nông sản của tỉnh Quảng Ngãi được nâng tầm. Các đơn vị, địa phương đã góp phần định hướng việc phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 90 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm xếp hạng 4 sao.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, địa phương tiếp tục vận động DN, nông dân tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP.
“Định hướng sắp tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm OCOP hiện có. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT chủ trì cùng với Sở Công Thương và các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các sản phẩm OCOP được thị trường đánh giá cao, đón nhận và nâng tầm. Sản phẩm OCOP sẽ cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm các địa phương khác, kể cả các nước trong khu vực”, ông Hiền nêu rõ./.