Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quản Bạ

Tái cơ cấu nông nghiệp được huyện Quản Bạ xác định là một phần quan trọng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Huyện đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển nông, lâm sản hàng hóa; hình thành nhiều chuỗi giá trị, đồng thời, triển khai thực hiện tái cơ cấu một cách trọng tâm, trọng điểm...

Cán bộ xã Tùng Vài kiểm tra chất lượng lúa Japonica.

Cán bộ xã Tùng Vài kiểm tra chất lượng lúa Japonica.

Những năm qua, nông nghiệp huyện Quản Bạ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị thế trong phát triển KT – XH địa phương. Tốc độ tăng trưởng cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực. Đến nay, cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45,5%, đạt 182% mục tiêu đề án; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 27%, đạt 93%; giá trị sản xuất/ha đất canh tác cây hàng năm đạt 43,5 triệu đồng, đạt 112%. Tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm 2019 đạt 19.494 tấn, đạt 67%. Diện tích chè kinh doanh đạt 220 ha, đạt 44%; cây dược liệu trồng mới và chăm sóc ước đạt 2.890 ha, đạt 98%. Tổng đàn trâu hiện có 6.793 con, đạt 93%; tổng đàn bò 15.725 con, đạt 115% mục tiêu đề án; đàn ong có 3.900 tổ, đạt 99%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,6%...

Đồng chí Hoàng Đình Phới, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ cho biết: Để triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn, địa phương nghiên cứu, rà soát lại cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp; chuyển đổi giống lúa mới chất lượng cao Japonica Nhật Bản tại xã Tùng Vài; cây hoa Hồng tại xã Quyết Tiến; dược liệu xã Quản Bạ và Quyết Tiến; Hồng không hạt tại 5 xã, thị trấn, nhân rộng diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm; thực hiện tốt quản lý Chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt và Đề án nửa triệu con gia súc, giai đoạn 2018-2020, chỉ đạo thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò; trồng mới diện tích cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc.

Trong thời gian tới, huyện tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu; nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung sản xuất một số cây trồng thế mạnh gồm: Lúa, ngô, chè, dược liệu, cây ăn quả, rau màu. Đối với chăn nuôi, phát triển theo hướng trang trại, gia trại, hình thành các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, theo hướng VietGAP. Trong lâm nghiệp, thực hiện quản lý, sử dụng bền vững rừng tự nhiên, thay thế diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng năng suất cao…

Bài, ảnh: VƯƠNG MAI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201910/tai-co-cau-nong-nghiep-o-quan-ba-750934/