Tái cơ cấu quy trình sản xuất nông nghiệp
(Báo Quảng Ngãi)- Tái cơ cấu quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, phân phối sản phẩm sẽ thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
Với diện tích hơn 3.500m2, khu vườn của ông Huỳnh Sum, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), có đến 50 cây bưởi, 25 cây sầu riêng và 500 cây cau xanh mướt. Bưởi trồng ở vườn ông Sum nức tiếng gần xa, vì quả tròn đều, trọng lượng bình quân từ 2 - 3kg/quả, múi mọng ngọt thanh.
Ông Sum bộc bạch, hàng chục năm gắn bó với nghề nông, tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm nên mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả từ đầu năm 2000. Đến khi bắt tay vào làm, tôi dần nhận ra mình cần phải học hỏi cặn kẽ từ cách trồng đến chăm sóc cho hiệu quả. Bởi lẽ, điều kiện thời tiết ngày càng thay đổi, dịch bệnh cũng khó lường, nhu cầu khách hàng cũng ngày càng cao. Điều đặc biệt là, tôi không sử dụng phân, thuốc hóa học để bón cho các loại cây trong vườn, mà tận dụng chất thải chăn nuôi đã qua xử lý để bón cho cây; hoặc tự chế các loại dung dịch để xua đuổi côn trùng, sâu bệnh.
Ông Tiêu Văn Cầm, ở thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), cũng có thu nhập cao từ trồng rau, nhờ điều chỉnh một khâu trong quá trình sản xuất. Đó là sử dụng phân chuồng đã qua xử lý để bón lót, kết hợp với các chế phẩm sinh học. Ông Cầm chia sẻ, cách làm này không có gì mới, chỉ là một thời gian dài chúng ta phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Trong khi đó, lượng phụ phẩm nông nghiệp rất nhiều, có thể tái chế để làm phân bón cho rau, vừa đỡ tốn kém mà lại an toàn, trước hết là cho chính mình và người thân trong gia đình.
Những năm qua, ông Cầm cần mẫn vừa làm, vừa học hỏi để chế tạo các loại dung dịch phòng trừ sâu bệnh từ các loại phụ phẩm sẵn có; đồng thời đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm để gia tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, 6 sào đất hoa màu nhà ông Cầm quanh năm được phủ bởi các loại rau xà lách, dưa leo, rau muống, cải, dền... nhưng đất vẫn màu mỡ, không bị bạc màu. Tiếng lành đồn xa, rau nhà ông Cầm được thương lái tìm mua, với giá bán ổn định từ 10 - 15 nghìn đồng/kg tùy loại.
Theo đại diện Sở NN&PTNT, tái cơ cấu quy trình sản xuất nông nghiệp được xem là hoạt động tái chế tại chỗ các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến. Đây là tiền đề để nông dân tham gia vào chu trình sản xuất nông, lâm, thủy sản tuần hoàn, khép kín theo chuỗi, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn đồng thời giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, để vừa gia tăng giá trị sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.