Tái đàn chăn nuôi sau tết: Chú trọng an toàn phòng chống dịch
Hiện nay đang là thời điểm các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao… người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần thận trọng khi tái đàn, chú ý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Nông dân huyện Quảng Xương thận trọng tái đàn chăn nuôi sau tết.
Năm 2022, huyện Quảng Xương đặt ra mục tiêu, phấn đấu tổng đàn lợn đạt khoảng 40.000 con; đàn trâu, bò ước đạt trên 10.000 con và đàn gia cầm ước đạt 1.350.000 con. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Phục vụ thị trường Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, gia trại của gia đình anh Lê Thiên Long ở phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã xuất bán trên 300 con gà thịt và 4 con trâu thương phẩm, thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Long cho biết: Ngay sau tết, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tái đàn gà và trâu, gia đình tôi đã tập trung tôn cao nền chuồng, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ xung quanh khu vực chuồng trại để chuẩn bị nhập khoảng 400 con gà giống và 5 con trâu về nuôi để duy trì quy mô và ổn định đàn vật nuôi.
Thận trọng khi tái đàn, con giống được anh Long chọn mua ở những cơ sở có uy tín để đảm bảo trong quá trình nuôi, con nuôi phát triển khỏe mạnh. Đối với gà con mới nở, anh Long thực hiện phương pháp ủ ấm bằng bóng đèn hồng ngoại giúp gà dần thích nghi với môi trường và cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi dịch bệnh trước khi cho nhập đàn.
Nông dân huyện Quảng Xương chuẩn bị chuồng nuôi để tái đàn.
Tương tự, với các hộ, cơ sở chăn nuôi khác trong toàn tỉnh, bà con cũng rất cẩn trọng khi tái đàn. Ông Đỗ Quang Thành, thôn Hải Phúc 2, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Để có lợn mẹ sinh sản đảm bảo, gia đình tôi đã đầu tư mua 7 lợn mẹ của một Công ty CP tại tỉnh Hòa Bình. Con giống đã đóng số có lai lịch cụ thể, đảm bảo yếu tố tiêm phòng phòng bệnh an toàn. Con giống gia đình tôi mua nặng 250 kg với giá 14 - 15 triệu/1 con. Tôi dự tính, khi lợn mẹ sinh sản đến đâu, sẽ chuyển sang nuôi lợn thương phẩm đến đó theo hình thức gối lứa. Như vậy, có thể chủ động nguồn giống, không phải lo nhập con giống bên ngoài.
Thông thường từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm tái đàn vật nuôi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn để phòng chống dịch bệnh. Trước khi thực hiện việc tái đàn, các hộ nuôi cần tổng vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn, sát trùng dụng cụ chăn nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải đúng theo quy định; cải tạo chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa...
Người chăn nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Đối với người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo khi mua con giống tái đàn, người dân nên mua con giống ở các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh giống uy tín, đảm bảo đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo quy định. Con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan thú y; không nhập con giống từ những vùng có dịch về nuôi để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Đối với gia súc, gia cầm còn non cần chú ý sưởi ấm, nhất là vào ban đêm; cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Người chăn nuôi cần chú ý giữ ấm chuồng trại cho đàn vật nuôi.
Ông Mai Thế Sang, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp các tập đoàn, các hộ các chủ trang trại cần tập trung các biện pháp để vừa chăn nuôi theo các quy trình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, sử dụng thức ăn chăn nuôi hợp lý, bảo vệ môi trường để giữ được đàn giống tại chỗ. Đây là nguồn cung ứng con giống rất quan trọng trong thời điểm thiếu con giống. Đồng thời, cung cấp các con giống đáp ứng nhu cầu của bà con trong tỉnh khi tăng đàn và tái đàn. Các hộ chăn nuôi khi tái đàn cần thực hiện nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa dịch bệnh.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các huyện, thị, thành phố rà soát, thống kê số lượng, sản lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để xây dựng kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp vệ sinh sau khi xuất bán vật nuôi. Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi; tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm; tích cực triển ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi…