Tái diễn mưa lũ lịch sử, nhiều người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu
Những ngày qua, người dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên lâm cảnh 'màn trời chiếu đất' khi hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử khiến nhiều người thiệt mạng, gây ngập lụt, sạt lở khủng khiếp.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 2/12, Phú Yên có 4 người chết, 6 người mất tích; Bình Định có 3 người chết; Khánh Hòa có 1 người chết, 1 người mất tích; Đắk Lắk 1 người chết...
Quảng Nam sạt lở nhiều nơi
Nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My đã tắc nghẽn vì khối lượng đất đá đổ sập xuống đường.
Khoảng 16h ngày 30/11, một quả đồi lớn bất ngờ sạt lở, trút hàng ngàn khối đất đá phủ lấp tuyến đường dẫn vào làng Tắc Pét - Măng Tông, thôn 5 (xã Trà Cang), gần đó là các nhà dân.
"Nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Nam Trà My có mưa to. Thế nhưng, vào thời điểm quả đồi sạt lở, trời lại tạnh ráo. Rất may đất đá đổ xuống tuyến đường liên thôn và khu vực đất sản xuất của người dân nên không gây thiệt hại về người", ông Lạc nói.
Đến rạng sáng 1/12, một phần quả đồi với hơn 10.000 m3 đất đá, cây cối trên đường quốc lộ 40B, tại vị trí Km80+100 (đoạn qua xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) đổ sập xuống vùi lấp mặt đường. Rất may không có thiệt hại về người.
Vụ sạt lở khiến đường giao thông tới 3 xã vùng cao của huyện Bắc Trà My là Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka cùng với đường lên huyện Nam Trà My bị chia cắt.
Nhiều tuyến đường tại TP Hội An nước lên cao. Tại đường Bạch Đằng nước cao gần 1,5m, đường Nguyễn Thái Học ngập hơn 0,5m, đường Nguyễn Phúc Chu có nơi hơn 1m.
Quảng Ngãi sạt lở khiến 4 nhà dân nguy cơ “xóa sổ”
Tại huyện miền núi Ba Tơ, mưa lớn nhiều ngày liên tục đã làm sạt lở hàng loạt điểm trên địa bàn của huyện vùng cao này, hàng chục hộ dân phải di dời gấp.
Chủ tịch UBND xã Ba Nam (huyện Ba Tơ) ông Phạm Văn Đin cho biết, sáng 29/11 có 2 điểm sạt lở rất nặng, đặc biệt là điểm sạt lở tại thôn Xà Râu.
Tại khu vực xóm Nước Loan, thôn Xà Râu lũ quét đã gây sạt lở đất. Hàng ngàn mét khối đất đá, cây cối đổ sập xuống sát nhà dân, khiến 4 nhà dân có nguy cơ “xóa sổ”, chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời các hộ dân này đến nơi an toàn.
Bình Định: 3 người chết, 2 người bị thương
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, tính đến thời điểm hiện tại, đợt mưa lũ này đã làm 52 xã/10 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 31.378 nhà dân bị ngập nước. Đã có 3 người chết, 2 người bị thương do mưa lũ gây ra.
Thiệt hại đến thời điểm hiện tại ước tỉnh khoảng 200 tỉ đồng.
Mưa lớn kéo dài suốt 2 ngày qua (28 - 29/11) với lượng mưa bình quân đạt 101mm, kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước các sông lên nhanh, gây ngập lụt ở nhiều địa phương.
Nặng nhất phải kể đến các huyện An Lão, Phù Mỹ, Tuy Phước, Hoài Ân, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn...
Tại huyện Hoài Ân có 797 nhà (xã Ân Hảo Tây có 255 nhà, Ân Hảo Đông 515 nhà, Ân Tín 15 nhà, Ân Mỹ 12 nhà) bị ngập nước. Huyện An Lão có 215 nhà bị ngập nước từ 0,2-0,3m.
Huyện Tuy Phước có 172 nhà bị ngập nước từ 0,2-0,4m, chủ yếu ở xã Phước Thắng. Huyện Phù Cát có 60 nhà bị ngập nước, tập trung ở xã Cát Chánh. Nước lũ cũng gây chia cắt nhiều tuyến giao thông.
Phú Yên: 10 người chết và mất tích
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên sáng 2/12 cho biết lũ đã làm 10 người chết và mất tích. Trong đó có 4 người chết (huyện Sơn Hòa: 2 người, Tây Hòa, 1 người; thị xã Sông Cầu: 1 người), 6 người mất tích ở thị xã Đông Hòa: 1 người; huyện Phú Hòa 3 người; thành phố Tuy Hòa 2 người.
Tại huyện Tây Hòa, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy thi thể ông Phạm Công Hóa (SN 1985, ngụ thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa). Ông Hóa có nhà ở gần sông Ba. Chiều 30/11, ông Hóa bước ra khỏi nhà thì bị nước cuốn trôi.
Trong khi đó ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, chiều tối qua, khi nước lũ lên nhanh, tại khu vực thôn Thành Hội (xã Sơn Hà) bị ngập sâu, lực lượng cứu hộ đã đưa ca nô đến cứu hộ 1 gia đình bị mắc kẹt. Tuy nhiên, trên đường từ thôn chạy ra ngoài, gặp lúc nước xiết, ca nô bị lật, 2 cháu bé trong cùng 1 gia đình bị nước cuốn trôi, mất tích.
Theo nhiều người dân Phú Yên, đợt lũ này nước dâng nhanh, ngập nặng gần bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993 xảy ra tại tỉnh này.
Nha Trang - Khánh Hòa chìm trong biển nước
Từ chiều tối 30/11 đến rạng sáng 1/12, nước sông Cái Nha Trang lên nhanh gây ngập lụt ở các xã vùng ven như Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang). Nước lên nhanh, có nơi ngập sâu tới 3m nước khiến người dân bất ngờ, vội vã chuyển đồ đạc trong đêm khuya...
Riêng tại TP Nha Trang, xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thạnh gần như các thôn đều bị ngập cô lập hoàn toàn với 2.299 hộ/9.073 khẩu (xã Vĩnh Trung) và 3.489 hộ/16.250 khẩu (xã Vĩnh Thạnh) bị ảnh hưởng. Các khu vực khác như xã Vĩnh Phương có 1.423 hộ/5.540 khẩu bị ảnh hưởng, xã Vĩnh Hiệp có 1.080 hộ/3.672 khẩu bị ảnh hưởng, xã Vĩnh Ngọc ngập cục bộ thôn Xuân Lạc, Xuân Lạc 1 giao thông vẫn đi lại được.
Gia Lai thiệt hại nặng về hoa màu
Nhiều diện tích hoa màu, cầu, đường, nhà cửa… bị ảnh hưởng nặng. Tại huyện Krông Pa, 36 hộ dân trên địa bàn bị ngập. Đặc biệt, nước lớn gây ngập úng hơn 44,5ha mì (sắn), hơn 29,6ha lúa, chết 2 con bò và 1 con dê tại 11 xã huyện này.
Bên cạnh đó, huyện này có 17 người dân do đi canh tác nương rẫy và đi xúc cát (xã Chư Drăng 9 người và xã Chư Gu 8 người) bị mắc kẹt và đã được cơ quan chức năng địa phương dùng xuồng đưa vào bờ an toàn.
Đắk Lắk, một người tử vong và 1 người bị thương
Mưa lũ khiến 1 người tử vong và 1 người mất tích trên địa bàn huyện M'Đrắk.
Huyện Krông Bông có khoảng 238ha cây trồng bị ngập (trong đó có 221ha mì, 10ha lúa nước mới gieo sạ, 7ha ngô). Tại huyện Ea Kar, trạm kiểm lâm số 5 thuộc khu bảo tồn Ea Sô ngập nước khoảng 1m, cán bộ đã kịp thời sơ tán, một số tài sản bị cuốn trôi.
Cùng với đó, mưa lớn khiến nhiều cống dân sinh, hồ, ngầm tràn, cầu... trên địa bàn huyện M'Đrắk bị ngập, sạt lở, hư hỏng.