Tái diễn nạn 'buôn thần bán thánh'
Lợi dụng lòng tin mù quáng của một số người, những kẻ 'buôn thần bán thánh' mặc sức thao túng tâm lý 'con nhang' bằng những lời phán truyền vô căn cứ để lừa bịp, trục lợi. Đã không ít hệ lụy đau lòng vì mê tín dị đoan, không ít gia đình lâm cảnh ly tán, tan cửa nát nhà, suy kiệt về kinh tế cũng vì tin lời 'thầy bà'.
“Phù thủy trừ ma, đuổi quỷ”
Lợi dụng lòng tin mù quáng nên vấn nạn “buôn thần bán thánh” được xem là một nghề, cạnh tranh khốc liệt dưới vỏ bọc tín ngưỡng. Họ lợi dụng niềm tin tâm linh của một số người, mặc sức khua môi múa miệng nhằm thu hút “con nhang” hướng lòng về phía mình, tin tưởng những điều “huyền bí cao siêu” để rồi mang lòng hoang mang, sợ hãi phải giải hạn, yểm chú, làm bùa hóa giải vận xui, trừ cái gọi “tà ma, quỷ thần”. Vô số “phù thủy”, thầy yểm, bà cô bỗng nhiên xuất hiện trở lại, tái diễn đủ trò mê tín dị đoan.
Vốn là người có đức tin sâu dày, thấy cháu ngoại mới sinh thường hay khóc vào ban đêm, bà Nguyễn Thị Thùy V. (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) nhờ thầy phong thủy xem cho một quẻ. Vị này là mối quen lâu nay của gia đình bà V., từ cưới xin, ma chay cho đến việc đi xa về gần hoặc xem tuổi, đón giờ lành... đều một tay thầy phụ trách.
Vì tin tưởng tuyệt đối như thế nên bà V. nghe lời thầy răm rắp. Sau khi xem xong, thầy phán: “Em bé sinh vào giờ hợp với tuổi của ông ngoại (chồng bà V., đã mất cách đây 3 năm) nên bị ông theo, bây giờ phải làm lễ cúng xin ông rời xa và một lễ cúng trừ tà cho bé”.
2 chầu lễ, thầy phong thủy “chém” bà V. 15 triệu tiền công và thêm 5 triệu tiền yểm chú trừ ma chiếc vòng roi mây để cho em bé đeo vào tay. Thầy giải thích: “Trong dân gian, người ta dùng roi mây, roi dâu để trừ 2 chầu lễ, thầy phong thủy “chém” bà V. 15 triệu tiền công và thêm 5 triệu tiền yểm chú trừ ma chiếc vòng roi mây để cho em bé đeo vào tay. Thầy giải thích: “Trong dân gian, người ta dùng roi mây, roi dâu để trừ Sẽ không có chuyện gì to tát nếu em bé ngoan ngoãn, ăn ngon ngủ kỹ sau đi đeo chiếc vòng roi mây. Nhưng, có lẽ thần thánh đã không “chứng” cho các bùa phép của thầy. Bé vẫn khóc hằng đêm và có biểu hiện chán ăn, giảm cân. Tai hại hơn, chiếc vòng mây gây ra vết dị ứng, mẩn nốt trên toàn cánh tay, loang lên cả vùng cổ của bé. Ban đầu, bà V. nghĩ cháu ngoại bị dị ứng sữa nên cho dừng uống sữa. Tuy nhiên, triệu chứng dị ứng không giảm, tại vị trí vòng đeo hằn lên những vết đỏ, mọng nước khiến bé khó chịu, khóc ngằn ngặt. Bà V. phải đưa cháu đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận, bé bị dị ứng vật thể bề ngoài, cụ thể là chiếc vòng roi mây.
Bà V. giận ông thầy, gọi điện trách mắng. Thầy ôn tồn lắng nghe và lại phán: “Là do tay của em bé không hợp với chất liệu của chiếc vòng, bản chất của nó vẫn rất tốt, đảm bảo sẽ an lành. Nếu gia đình không muốn đeo vòng nữa thì tôi sẽ làm chú gỡ ra”.
Vợ chồng con gái biết chuyện đã kịch liệt phản đối, không cho bà V. được mời thầy tới làm phép nữa và cũng yêu cầu từ mặt ông thầy này. Bà V. cho biết, sau sự cố với cháu ngoại, bà không còn tin vào trò mê tín yểm bùa chú của thầy nữa. Bà cảm thấy ân hận vì việc làm của bản thân, vô tình đưa cháu ngoại vào vòng nguy hiểm.
Kiệt quệ vì “thầy bà”
Cuộc sống thật ngột ngạt và nhàm chán, đã thế chồng còn “tòm tem” bên ngoài khiến chị Huỳnh Mỹ L. (ngụ huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) rơi vào bế tắc. Chị đem chuyện gia đình tâm sự với người bạn cùng công ty. Bạn chị đồng cảm nên đã giới thiệu một bà cô có tài bùa chú đang ẩn tu ở An Giang. Do công việc không thể xin nghỉ làm được nên chị L. nhờ một đứa em ở An Giang đi tìm thầy thỉnh bảo bối giải xui cho mình.
Tại đây, bà cô tự xưng là “cô Tám cọp” (chuyên thờ thần hổ) xem từ xa cho chị L. một quẻ về thân phận đàn bà. Đại khái, “cô Tám cọp” luận giải rằng: “Số con mang cốt chuột (sinh năm 1984), kiếp trước từng là công chúa trên trời nhưng đã hưởng hết phước nên phải đọa làm người trần gian. Con chuột vốn nhỏ bé, ngày đêm chui rúc nơi tối tăm, nay gặp phải con trâu (chồng sinh năm 1985, tuổi Sửu) thì ắt phải gặp họa, không chết là may”. Để hóa giải vận xui, mang chồng trở về với mình chỉ có cách làm bùa chú. Đầu tiên là bài cúng đuổi “con giáp thứ 13” bằng hoa trái, trầu cau và nước thơm. Sau nữa là thỉnh vật tế là một lá trầu khô từ Thái Lan đã qua tay thầy yểm.
Chị L. sẽ gói lá trầu này vào gối ngủ của hai vợ chồng, chỉ một tuần sau, đảm bảo chồng dứt áo người tình, quay về với mình.
Chị L. làm theo lời chỉ dạy của “cô Tám cọp” và đúng là chỉ 7 ngày sau chồng trở về, trong bộ dạng tiều tụy và xơ xác. Anh chồng cho biết, lâu nay không phải mình bồ bịch bên ngoài mà là đi chơi đá gà, nay thua sạch thì trở về. Chị L. không tin lời chồng giải thích mà đinh ninh do công hiệu tuyệt vời của lá trầu bà núi Cấm. Thấy việc êm ấm, chị L. đã lặn lội về An Giang lên cốc của “cô Tám cọp” trả lễ đàng hoàng.
Hơn một tháng sau, các chủ nợ dồn dập tới đòi tiền anh chồng đã vay trước đó để chơi bời. Chị L. è lưng ra trả đến kiệt quệ, chán chường. Vợ chồng cãi nhau suốt ngày, có lúc điên tiết nhảy vào đánh nhau. Chị L. không chịu nổi cảnh này nữa, đuổi chồng ra khỏi nhà. Đi được vài hôm, anh ta lại lết xác về, rượu say nát như tổ đỉa. Bĩ cực và tức giận, chị lại tìm đến “thầy bà”, mong làm cho cái phép để ông chồng đi cho khuất mắt. Chị nói rằng, mình khổ tận cùng rồi, không muốn sống chung nữa.
Chỉ xoay quanh chuyện làm bùa kéo chồng về rồi lại làm phép đuổi chồng đi, chị L. tốn hơn 12 triệu. Đây chỉ là khoản lễ, còn tiền xe đò đi lại vài lần, tiền mua vật phẩm cúng chưa tính đến.
Tuy nhiên, dù chị L. có làm đủ thứ bùa phép, trấn yểm thì mâu thuẫn gia đình vẫn chưa được tháo gỡ. Chị lại tìm đến thầy phong thủy xem một quẻ gia trạch, điền địa. Thầy phong thủy nhìn chị với thái độ rất... nguy hiểm rồi tuyên phán: “Gia trạch nhà cô không vấn đề gì nhưng bản thân cô thì có. Cô đã nhiễm âm khí rất nặng, là do trong nhà đang đặt bùa”. Nghe đến đây, chị L. thảng thốt, bái phục ông thầy vì mới gặp lần đầu đã biết trong nhà chị có bùa (lá trầu núi Cấm của bà cô). Thầy yêu cầu chị L. phải gỡ bùa ra, mang đi chôn ở ven sông, sau đó thầy mới hóa giải được âm khí trong người chị.
Để tăng thêm phần kịch tính cho “con nhang” phát sợ, thầy giải thích: “Người nhiễm âm khí trong một khoảng thời gian dài mà không hóa giải sẽ ảnh hưởng đến lý trí, nhân khí không thể tụ, tác động đến nhân số và vận mệnh, tài lộc thất thoát, sức khỏe suy giảm, ốm đau bệnh tật, gia đình mất hòa khí. Người bị nhiễm nặng thì tư tưởng lệch lạc và khó kiểm soát được bản thân. Đôi khi dẫn đến hành động quá khích, thậm chí là giết người hoặc muốn tự sát”.
Chị L. sợ hãi, về nhà làm theo ý của thầy phong thủy và dứt quan hệ với “cô Tám cọp”, cho đến khi chị sức cùng lực kiệt mà cuộc sống vẫn tối tăm, u uất.
Cần đặt niềm tin đúng nơi, đúng chỗ
Niềm tin tâm linh giúp con người gửi gắm tinh thần để nương tựa. Niềm tin đặt đúng nơi, đúng chỗ, trong sáng và lành mạnh là điều vô cùng tốt đẹp. Thế nhưng, đa phần “con nhang” lại chọn “phò” những vị thầy trần gian “bằng xương bằng thịt”, tin vào lời hoa mỹ cao siêu và những trò lừa bùa chú, phép thuật để rồi rước họa vào thân, tiền mất tật mang.
Ngày 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Ngọc Ý (22 tuổi, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Ý và chị C.T.A.T. (22 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, Tây Ninh) làm chung công ty ở khu công nghiệp Phước Đông nên thường hay tâm sự về chuyện gia đình. Tháng 5/2022, Ý nảy sinh ý định lừa lấy tiền của chị T. nên nói dối có quen biết người phụ nữ tên Kiều ở TP Hồ Chí Minh làm nghề thầy cúng, có bán vòng châm dạng vòng tay đính hạt đã làm bùa phép. Khi đeo vòng châm sẽ giữ được hạnh phúc gia đình, làm ăn thuận lợi. Tin lời, chị T. mua chiếc vòng với giá 2,5 triệu đồng.
Sau đó, Ý yêu cầu chị T. đưa thêm tiền mua hoa, trái cây cúng, làm phép và để nuôi chiếc vòng châm này cho linh thiêng. Sau khi đeo một thời gian, chị T. đề nghị Ý hủy phép chiếc vòng châm thì Ý dụ dỗ chuyển thêm tiền để làm phép. Ý lập các tài khoản Facebook với tên gọi khác nhau nhằm giả danh “thầy cúng” nhắn tin trao đổi với chị T. để dụ dỗ chuyển tiền nhiều lần.
Đồng thời, trong quá trình nói chuyện, Ý biết chị T. mê tín nên giả thầy cúng nhắn tin đe dọa sẽ báo cho người thân. Sợ người thân biết, chị T. giấu gia đình nhiều lần đưa tiền cho Ý. Tổng cộng, Ý chiếm đoạt của chị T. trên 74 triệu đồng. Gia đình chị T. biết sự việc đã trình báo Công an huyện Gò Dầu.
Theo quan điểm của TS. Lê Văn Tuấn (Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và cộng đồng), qua những vụ việc lừa đảo nêu trên, thiết nghĩ, để đấu tranh với tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền về hệ lụy của mê tín dị đoan, cần đưa ra những thủ đoạn lừa bịp, buôn thần bán thánh để mọi người phân biệt đâu là tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mê tín dị đoan, gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bà con. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.
TS. Tuấn nhấn mạnh, nếu chỉ nhìn các hiện tượng mê tín dị đoan như một hiện tượng văn hóa đơn thuần và giao phó cho ngành văn hóa thì các công cụ quản lý sẽ không đủ mạnh để có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực. Chính vì vậy, cần bài trừ mê tín dị đoan bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách.
Việc thực thi các văn bản chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương. Như chúng ta đã thấy, các quy định xử phạt như sản xuất và đốt vàng mã, xóc thẻ, bói toán, gọi hồn... vẫn xảy ra thường xuyên nhưng cho đến nay hầu như ít chịu sự xử phạt từ các cơ quan chức năng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tai-dien-nan-buon-than-ban-thanh-i698039/