Tái diễn tình trạng bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông
Gần đây, trên địa bàn tỉnh lại tái diễn tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (TNGT) nhưng bỏ mặc nạn nhân và rời khỏi hiện trường. Hành vi trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gián tiếp khiến nạn nhân tử vong vì không được cứu chữa kịp thời và gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ việc.
Hiện trường vụ TNGT vào tối 21-5 trên địa bàn phường Bình Hòa (TP.Thuận An)
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.Thuận An đã xảy ra nhiều vụ TNGT mà người có liên quan đến vụ việc bỏ trốn khỏi hiện trường. Cụ thể vào khoảng 22 giờ ngày 21-5, anh Sơn Thái Q. (SN 1991, quê Sóc Trăng) điều khiển xe máy lưu thông trên tỉnh lộ 43 (đoạn qua khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa) thì xảy ra va chạm với bà Nguyễn Thị Thúy K. (SN 1980, quê Quảng Trị) đang đi bộ trên đường. Sau đó, xe máy của anh Q. tiếp tục va chạm với xe ô tô tải lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến anh Q. chết tại hiện trường, còn bà K. bị thương nặng. Riêng xe ô tô tải nhanh chóng rời đi, bỏ mặc nạn nhân nằm tại hiện trường.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an tiến hành trích xuất hình ảnh camera tại hiện trường, qua đó xác định xe ô tô tải rời khỏi hiện trường do tài xế Thái Hữu Lợi (SN 1995, quê Nghệ An) điều khiển.
Trong tháng 6-2023, trên địa bàn TP.Thuận An đã xảy ra 3 vụ TNGT, trong đó có vụ tài xế nhanh chóng chạy xe rời khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ việc. Đơn cử vào tối ngày 11-6, anh Trần Bá Q. (SN 1990) và anh Nguyễn Bá H. (SN 1993, cùng quê Bình Định) điều khiển xe máy lưu thông trên đường ĐT743B (khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa) thì xảy ra va chạm với xe container khiến anh Q. chết tại hiện trường, còn anh H. bị thương nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế đã điều khiển xe container rời khỏi hiện trường.
Theo cơ quan công an, các vụ TNGT mà người liên quan bỏ trốn khỏi hiện trường thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm, vì ít có người chứng kiến vụ việc. Cụ thể vào rạng sáng ngày 18-6, người dân ở ấp Dòng Sỏi, xã An Tây (TX.Bến Cát) phát hiện chị Trần Thị Chúc Q. (SN 2002, quê Cà Mau) nằm dưới lòng đường ĐT744, hai chân bị dập nát (nghi bị xe cán), còn xe máy bị hư hỏng nặng. Ngay sau đó người dân đã thông báo cho cơ quan chức năng và đưa chị Q. đi cấp cứu. Tuy nhiên, chị Q. đã chết khi trên đường đến bệnh viện vì thương tích quá nặng.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Phước Long, Giám đốc Công ty Luật Chánh Nghĩa (đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương), cho biết tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất”.
Trong khi đó tại Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy được quy định như sau: Phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng nếu người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn.
Cũng theo luật sư Nguyễn Phước Long, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy được quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng nếu người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn.
+ Cũng với hành vi như trên nhưng nếu người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
+ Nếu người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi như trên thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
+ Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác thì mức phạt sẽ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có hành vi như trên.