Tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng cao Phước Sơn
Sau thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục tái diễn phức tạp. Đặc biệt từ khi giá vàng tăng cao, nhiều đối tượng trong và ngoài địa phương đổ xô đến khu vực các bãi 5A, bãi Khe Tăng (xã Phước Thành), bãi Cây Đa (xã Phước Lộc), bãi 38 (xã Phước Hòa)… để khai thác vàng trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường…
Tiếp tục tái diễn
Trong chuyến công tác ở các xã vùng cao huyện Phước Sơn, khi ngang qua dòng sông Đắk Mắt (giáp ranh giữa xã Phước Thành và Phước Lộc, huyện Phước Sơn), chúng tôi tiếp tục chứng kiến cả dòng sông nhốm màu vàng đục. Theo dòng nước chảy, chúng tôi đến khu vực bãi 5A, xã Phước Thành và bất ngờ trước việc hàng chục lán trại "mọc" lên nhằm phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép.
Trên diện tích rộng khoảng 2ha, dưới những cây rừng thưa thớt có hàng chục lán trại được dựng lên tạm bợ, nằm sát nhau. Trên những vách núi cao từ 10-50m, có gần 100 người đang đào vàng chia thành từng nhóm. Người dùng cuốc xẻng đào đất đưa lên xe đẩy, người ủ xái quặng, người vận hành máy móc.
Nhiều người dân địa phương nhận định, thời điểm gần Tết khi giá vàng tăng cao, nhiều người đổ xô đến đây để tìm kiếm vận may. Để phục vụ việc khai thác, các đối tượng dùng bạt, cây và dây dựng lán trại tạm bợ, kéo điện lưới, nước đưa từ các đỉnh núi về. Họ mua sắm máy nổ, máy nghiền giá từ 30-50 triệu đồng dùng để xay nghiền đất đá... Một người đang dùng xe đẩy quặng cho vào máy nghiền cho biết, tại mỏ vàng ngoài những người làm cố định tại chỗ thì còn có hàng chục người khác sáng đi tối về. Mỗi nhóm tự phân chia theo khu vực rồi mạnh ai nấy làm. "Tôi được chủ thuê đến làm, nhận tiền công từ 200 đến 300 ngàn đồng một ngày. Nếu thấy lực lượng chức năng truy quét thì cất giấu máy móc rồi chạy vào rừng hoặc lẩn trốn trong hầm. Khi họ rút đi, chúng tôi quay lại làm tiếp"- người này nói.
Công việc đào vàng trải qua nhiều công đoạn. Ngoài việc xay đất đá lộ thiên, một số nhóm đào hầm, giếng lấy quặng vàng lên để xay nghiền. Họ cho đất đá vào máy nghiền xay nhỏ và dùng nước cho chảy qua máng, bên dưới máng được để nhiều tấm vải nhung nhằm hứng vàng. Máng được thiết kế hình dích dắc, khi xả nước từ trên xuống, đất đá sẽ trôi ra ngoài, còn vàng nặng hơn sẽ nằm lại ở các tấm vải. Tuy nhiên cách làm này vàng không lấy hết, vàng còn ở trong xái quặng. Để tận thu, xái quặng trộn đều với vôi, soda và một số hóa chất cho xuống bể. Sau đó, dùng Cyanua ngâm ủ từ 2 đến 7 ngày, dùng nước bơm liên tục vào bể để vàng theo hóa chất trôi ra. Sau khi lấy hết vàng, số hóa chất này được thải trực tiếp ra môi trường sông, suối.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, khu vực bãi 5A trước đây được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty TNHH Thành Lộc Sơn (địa chỉ thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) khai thác. Đến tháng 1-2017, mỏ vàng hết phép và giao cho xã Phước Thành quản lý. "Nhiều năm qua, khu vực này là điểm nóng nạn đào vàng trái phép. Chúng tôi cũng thường xuyên truy quét, đẩy đuổi nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động trở lại"-ông Phức nói.
Truy quét, tiêu hủy 51 lán trại
Tiếp nhận thông tin tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây từ nhóm phóng viên, ông Lê Quang Trung- Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đã giao cho Công an huyện phối hợp các ngành chức năng truy quét, đẩy đuổi. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Phước Sơn, trong 2 ngày 23 và 24-1, Công an huyện Phước Sơn phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra, truy quét tại khu vực bãi 5A. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn truy quét tại các bãi vàng Khe Tăng (xã Phước Thành), bãi vàng Cây Đa (xã Phước Lộc) và bãi vàng 38 (xã Phước Hòa). Qua 5 đợt kiểm tra, truy quét tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, tiêu hủy 51 lán trại, 15 tấm bạt, 25 máy nổ, 5 củ điện, 26 cối xay, 2 cối dập, 4 máy tời, 7 xe rùa, 7 dàn khoan hơi, 1 dàn rùng, 700m ống nước và 500m dây điện. Đồng thời, tiến hành niêm phong toàn bộ cửa hầm và máy móc tại khu vực lán trại bảo quản máy móc của Công ty TNHH Phước Minh tại Khe Tăng (Phước Thành). Lãnh đạo Công an huyện Phước Sơn cho biết, sau khi truy quét đã bàn giao các địa điểm nêu trên cho chính quyền địa phương theo dõi, nắm tình hình, không để các đối tượng quay lại hoạt động gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Lý giải về việc những mỏ vàng sau khi truy quét tiếp tục tái diễn, ông Lê Quang Trung cho rằng, do những khu vực này cách xa khu dân cư, người dân địa phương và nơi khác đến làm lén lút. "Khi họ phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra thì bỏ trốn vào rừng, lúc lực lượng rút lui thì họ trở ra làm lại. Do đó gây khó khăn cho công tác xử lý", ông Trung giải thích.
Liên quan đến việc mỏ vàng 5A đã hết phép nhưng không hoàn thổ, đóng cửa mỏ, lãnh đạo huyện Phước Sơn cho rằng, Công ty TNHH Thành Lộc Sơn không còn hoạt động trên lĩnh vực khoáng sản. Hiện trụ sở công ty đã di dời đi nơi khác, không xác định được địa chỉ, nên việc đôn đốc doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ còn nhiều khó khăn. "UBND huyện đã giao cho Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra xác minh doanh nghiệp có còn hoạt động hay không, nếu doanh nghiệp còn hoạt động mà không thực hiện đóng cửa mỏ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", ông Lê Quang Trung nói.
Theo UBND huyện Phước Sơn, trong năm 2023, các lực lượng liên quan đã tổ chức 20 đợt kiểm tra, truy quét; tiêu hủy 98 máy nổ, 37 củ điện, 10 khoan hơi, 11 máy tời, 2 máy cưa, 6 khoan tay, 11 máy dập, 59 cối xay, 141 lán trại, khoảng 2.200m dây điện, 4.500m ống nước, 1.200 lít dầu và một số dụng cụ khác phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.