Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh tại Hà Nội
Mỗi năm, TP Hà Nội đều có các đợt ra quân, thế nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại như 'bắt cóc bỏ đĩa'.
Theo ghi nhận của phóng viên trong hai ngày 9/5 và 10/5, trên các tuyến đường trung tâm TP Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Mỹ Đình, Hà Đông,... tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến.
Nhiều nơi, người dân chiếm hết lối đi cho người đi bộ để bày bán, dự trữ hàng hóa từ những thùng đựng trái cây, hàng bách hóa, rau, củ, quả cho đến các loại hải sản…
Bên cạnh đó, những người bán hàng rong thường đậu xe trên vỉa hè hoặc ngay dưới lòng đường để buôn bán. Người đi đường thấy thế cứ dừng xe lại mua, không dừng đỗ xe đúng nơi quy định, làm cho vỉa hè, lòng đường càng thêm chật hẹp. Tình trạng này làm cho các phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn, thậm chí là va chạm, gây mất an toàn giao thông.
Đáng nói hơn nữa, mặc dù ở nhiều trục đường có đặt hàng loạt biển cấm dừng đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội hoặc của các cơ quan đoàn thể đặt trước trụ sở, nhưng các chủ phương tiện, lái xe vẫn "phớt lờ" biển cấm, quy định, đỗ ô tô, xe máy bừa bãi, ngang nhiên, ngay cạnh biển cấm, không chỉ đẩy người đi bộ xuống lòng đường, mà còn gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Nói về thực trạng xe ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chị Nguyễn Thị Thư (22 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) tỏ ra khó chịu khi liên tục phải len lỏi qua hàng dài ô tô đỗ trên vỉa hè. Thậm chí, nhiều đoạn đường bị chiếm dụng hết, chị Thư đành chấp nhận đi dưới lòng đường dù có rất nhiều xe cộ qua lại.
“Vỉa hè dành cho người đi bộ, vậy mà tôi thấy ôtô dừng đỗ hàng hai, hàng ba bất chấp biển cấm, đẩy người đi bộ xuống đường. Trước đó, được một thời gian lực lượng chức năng ra quân, vỉa hè có vẻ thoáng đãng hơn, nhưng cũng chỉ là đối phó”, chị Thư cho hay.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra nghiêm trọng và phức tạp hơn vào buổi tối, khi các quán nhậu, quán ăn đêm mở cửa, bàn ghế nhựa cùng các phương tiện tràn lan xuống lòng đường, các cửa hàng chèo kéo, giành khách tạo nên một khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Ra quân xử lý, rồi lại tái diễn là câu chuyện lặp lại trong nhiều năm qua. Điều này đã cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen buôn bán trên vỉa hè.
Thường xuyên phải di chuyển, chị Phương (Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng quán ăn lấn chiếm lòng đường hiện nay. "Đường đi đã nhỏ, nhiều hàng quán lại còn ngang nhiên lấn chiếm, khiến con đường luôn trong tình trạng chật cứng, đặc biệt vào chiều tối khi tan tầm".
Tình trạng quán ăn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã diễn ra nhiều năm, khiến người dân rất bất bình. Bày tỏ mong muốn của mình trước tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, chị Phương nói thêm: “Tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp mạnh tay hơn để can thiệp, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè gây ách tắc giao thông này."
Theo các chuyên gia, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè vẫn sẽ kéo dài và có nhiều khó khăn, để giải quyết được vấn đề này cần có chính sách đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là phương án giải quyết việc làm cho những người từ lâu vẫn trông chờ vào công việc kinh doanh gắn liền với vỉa hè tại Hà Nội.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 31/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, để hài hòa giữa đảm bảo trật tự đô thị, phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, các cơ quan cần nghiên cứu cách làm căn cơ, duy trì kết quả lâu dài, không "bắt cóc bỏ đĩa", lãng phí nguồn lực.
Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã chia 3 mốc thời gian để các địa phương thực hiện "tổng chiến dịch" xóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cụ thể, giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.