Tái diễn tình trạng xe máy đi vào đường cấm, đường cao tốc
Tình trạng xe máy cố tình đi vào đường cấm, đường cao tốc trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn khác nói chung không còn lạ lẫm, thậm chí trở thành vấn đề nhức nhối, gây ra rủi ro cho người tham gia giao thông và làm tăng áp lực cho lực lượng CSGT.
Và việc này đang xảy ra tại tuyến Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Ngã tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy) với tỷ lệ người điều khiển xe máy vi phạm ngày càng gia tăng.
“Trường hợp này tôi gặp nhiều rồi, nhiều khi giật mình, vèo cái xe máy vụt qua mà đường này tuyệt đối cấm xe máy, nên tôi mong cơ quan chức năng tuyên truyền ngăn chặn, để tránh nguy hiểm cho họ và cả chúng tôi nhiều khi giật mình, xử lý là hoảng đấy” - Đó là những ý kiến này tỏ sự không hài lòng, thậm chí có phần bức xúc của anh Minh Hùng, 1 tài xế thường xuyên di chuyển tại tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy về Ngã Tư Sở khi được hỏi về tình trạng xe máy đi vào đường cấm. Bác tài này chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm vì theo quan sát, người điều khiển xe máy có vẻ vô tư với hành động của mình.
Theo khảo sát của phóng viên, dù tỷ lệ người điều khiển xe máy đi vào VĐ2 trên cao chưa nhiều, thi thoảng mới bắt gặp, nhưng không thể phủ nhận sự gia tăng tỷ lệ vi phạm theo thời gian. Đặc biệt vào những khung giờ cao điểm, khi trục Trường Chinh, Đại La, Minh Khai đông đúc thì thường xuất hiện 1 vài xe máy (đa phần là xe ôm công nghệ) đi vào tuyến này... cho tiết kiệm thời gian. Và tình trạng này cũng được thính giả của VOV Giao thông phản ánh liên tục trong khoảng 3 tháng gần đây.
Dường như lâu dần thành quen, vào buổi tối tuy đường không tắc, PV khi khảo sát cũng vẫn thấy xe máy lao vun vút ngay cạnh những chiếc ô tô đang đi tốc độ cao.
Một số người dân bày tỏ:
"Tôi rất mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các xe máy đi lên đường trên cao này, để đảm bảo tính mạng cho người lái xe."
“Theo tôi ý thức thôi, khi đủ biển báo rõ ràng là cấm xe máy rồi, ý thức kém, họ coi thường quá, nên mong cơ quan chức năng tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm.”
Nhận định về vấn đề này, Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, phòng CSGT Công an TP Hà Nội trả lời với PV: "Có thể nói, từ khi Vành đai 2 trên cao đi vào hoạt động thì cũng đang hoàn thiện hạ tầng giao thông, tuy nhiên một số phương tiện xe mô tô vẫn tùy tiện đi lên nên đội CSGT số 3 đã thường xuyên tuần tra xử lý. Nhưng vẫn còn 1 số trường hợp ý thức kém nên vẫn tiếp tục vi phạm, vì vậy đội 3 lại tiếp tục bố trí cán bộ để tuần tra và xử lý."
Rõ ràng câu chuyện ý thức của người điều khiển phương tiện xe máy là nguyên nhân lớn nhất cho tình trạng vi phạm này, và lực lượng chức năng cũng rất mong muốn người dân tuân thủ pháp luật, bởi tất cả là vì sự an toàn tính mạng cho tất cả mọi người.
Khi được hỏi về giải pháp kéo giảm vấn đề nhức nhối này, Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, phối hợp với các đội bạn, cụ thể là đội CSGT số 4 để tuần tra tại các ram lên, ram xuống để xử lý. Thứ 2 chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó đảm bảo an toàn."
Còn nhớ vào đầu tháng 5/2023 tại Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, một vụ va chạm giữa xe khách và xe máy đã xảy ra tại vị trí mà xe máy bị cấm đi vào. Hậu quả, người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Và đó chỉ là 1 trong số rất nhiều vụ TNGT thương tâm xuất phát từ sự cố tình vi phạm của người tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng có giới hạn về nhân lực, nên không thể 24/24 đảm bảo quân số trên các vị trí trên đường. Thiết nghĩ, chỉ có chấp hành luật Giao thông mới giúp kéo giảm TNGT, đồng thời về phía lực lượng chức năng cũng cần nghiên cứu áp dụng công nghệ nhằm tăng cường giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Có như vậy, người dân sẽ bớt cảm giác nơm nớp lo sợ tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào.