Tái định cư, chống sạt lở cho đồng bào ở vùng 'trước núi sau sông'
Do địa hình có độ dốc cao, sông suối chia cắt mạnh cùng với phong tục tập quán, nhiều khu dân cư của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam nằm rải rác ở lưng chừng núi. Nhiều nơi nằm trong vùng 'trước núi sau sông' hoặc 'trước sông sau núi' nên thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở núi và lũ quét.

Trong năm 2024, huyện Nam Trà My đã triển khai đồng thời các khu tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép tại chỗ cho 250 hộ đồng bào ở các xã Trà Tập, Trà Cang, Trà Linh và Trà Vân.
Kè chống sạt lở cho vùng “trước núi sau sông”
Nhiều năm qua, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực ứng phó hiệu quả với thiên tai, ổn định cuộc sống lâu dài cho đồng bào.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nguồn vật liệu đầy đủ, đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện những phần việc cuối cùng để đưa tuyến đê kè chống sạt lở trên sông Trường, đoạn qua xã Trà Giang và thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay.
Có nhà ở nằm cạnh bờ sông Trường, phía sau lưng là núi Hòn Bà cao chót vót, ông Nguyễn Đức Thiện ở thị trấn Trà My cho biết, trong mùa mưa lũ năm 2024, nước sông Trường dâng cao và chảy xiết. Nếu mặt đê không cao hơn mặt nước lũ chắc chắn nhà của gia đình ông bị ngập nước, hoa màu trong vườn thiệt hại nặng nề.
Nhờ mặt đê được đắp cao hơn mực nước lũ dâng hằng năm, triền đê được kè bằng bê tông cốt thép vững chãi, không riêng gia đình ông Thiện, hàng chục hộ nơi đây hoàn toàn yên tâm trước diễn biến của mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày. Dự kiến trong năm 2025, toàn bộ tuyến kè dọc sông Trường sẽ hoàn thành. Mùa lũ tới, toàn bộ cư dân ven sông, thuộc thị trấn Trà My cứ “kê cao gối mà ngủ”, ông Thiện phấn khởi chia sẻ.
Chủ tịch UBND thị trấn Trà My Nguyễn Hữu Sự thông tin, kè sông Trường không chỉ đơn thuần là các tuyến đê kè chống sạt lở trong mỗi mùa mưa lũ, đây còn là công trình hạ tầng đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương từng bước chỉnh trang, mở rộng đô thị, xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm là trung tâm văn hóa, chính trị của huyện Bắc Trà My. Tuy chưa hoàn thành toàn bộ, song hiệu quả bước đầu là rõ ràng, bất cứ người dân nào ở địa phương cũng nhận thấy. Hiện trên tuyến kè qua thị trấn Trà My chỉ còn một hộ đang được địa phương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ về đất để nhận đền bù ngay trong nửa đầu tháng 4/2025, nhường lại mặt bằng cho đơn vị thi công.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Tân cho biết, tỉnh đã đầu tư gần 95 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp các tuyến đê kè tại những vị trí xung yếu và đoạn thường xuyên bị ngập lũ với chiều dài hơn 2,4 km nhằm ngăn chặn sạt lở, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tài sản và hoa màu cho người dân ở khu vực xung yếu hai bên bờ sông Trường thuộc xã Trà Giang và thị trấn Trà My.
Kè sông Trường được xem là công trình cấp bách, tuy nhiên ban đầu công trình gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng; đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện toàn bộ, song công trình đã phát huy hiệu quả bước đầu trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhờ vậy nhận được sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.
Khi hoàn thành, tuyến kè sẽ bảo vệ cho hàng trăm hộ dân trong khu vực và hàng nghìn ha đất canh tác của người dân thị trấn Trà My. Ngoài chống sạt lở, kè sông Trường còn góp phần mở rộng quỹ đất để địa phương chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị về hướng sông Trường, tạo quỹ đất bố trí tái định cư ổn định lâu dài cho đồng bào.
Phòng ngừa sạt lở núi gắn với bố trí chỗ ở an toàn
Quyền Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Hoàng Thanh Long cho biết, kè sông Trường là một trong số hàng chục công trình được đầu tư nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhà cửa, tài sản và tính mạng của đồng bào với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng đang phát huy hiệu quả.
Năm 2024, huyện Bắc Trà My chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, tần suất dày nhất là lốc sét, mưa lớn, gây sạt lở đất. Sau mùa mưa lũ năm 2024, ở huyện xuất hiện thêm 41 vị trí sạt lở núi nơi có dân cư sinh sống, đưa tổng số điểm sạt lở trong toàn huyện lên đến 136 vị trí; trong đó, có 95 vị trí được lập bản đồ, 41 vị trí mới phát hiện sẽ được kiện toàn bản đồ trong Phương án phòng ngừa thiệt hại do sạt lở núi năm 2025.
Đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2024, ngay sau khi mưa lũ đi qua, bằng nhiều nỗ lực của địa phương, sự giúp đỡ kịp thời của tỉnh và sự cưu mang của bà con trong cả nước, huyện Bắc Trà My kịp thời di chuyển 247 gia đình ở những khu vực bị sạt lở, nơi có nguy cơ sạt lở núi cao đến nơi ở an toàn. Những hộ di dời nói trên đã và đang được làm lại nhà ở theo Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát giai đoạn 2023 - 2025.
Theo ông Hoàng Thanh Long, trong 2 năm qua, cùng với nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát để bố trí chỗ ở ổn định và làm nhà ở kiên cố cho đồng bào. Huyện Bắc Trà My đã xóa được 754 nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2025, huyện sẽ xóa hết gần 700 nhà ở tạm còn lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn chia sẻ, do địa hình chi phối và phong tục tập quán, phần lớn khu dân cư của đồng bào ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng đều ở vị trí “trước núi sau sông” hoặc “trước sông sau núi”. Do đó, tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên trong mỗi mùa mưa lũ là không thể tránh khỏi. Việc tìm quỹ đất để bố trí tái định cư tập trung cho bà con là điều không đơn giản. Trong điều kiện khó khăn như vậy, song công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp khu dân cư ở huyện, tiêu biểu như Khu tái định cư Nước Lía (xã Trà Bui), Khu tái định cư thôn 4 (xã Trà Giác), Khu tái định cư thôn 1 (xã Trà Ka), Khu tái định cư Trà Giang, Trà Nú nhằm bố trí chỗ ở an toàn cho đồng bào là những nỗ lực lớn của địa phương, đáng được ghi nhận.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ sạt lở đất ở huyện Bắc Trà My trong năm 2025 là rất lớn. Vì vậy, việc bố trí quỹ đất để tái định cư tập trung, bố trí chỗ ở xen ghép cho đồng bào là nhiệm vụ cấp bách. Đây là thử thách không nhỏ, nhất là trong điều kiện địa hình tự nhiên của địa phương không nhiều thuận lợi. Với quyết tâm giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng loạt các khu tái định cư, công trình kè chống sạt lở núi, sạt lở bờ sông đang được triển khai thực hiện; trước mùa mưa lũ năm nay, sẽ có thêm nhiều hộ đồng bào ở vùng “trước núi sau sông” và “trước sông sau núi” tại Quảng Nam ổn định chỗ ở an toàn.