Tái định cư phải đi trước một bước để an dân

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tái định cư (TĐC), hướng đến mục tiêu tạo ra nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho người dân có đất bị thu hồi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh thăm hỏi người dân ở khu tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh:T.L

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh thăm hỏi người dân ở khu tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh:T.L

Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người dân còn một số tồn tại, hạn chế. Tại một số dự án, việc xây dựng TĐC cho người dân lại đi sau trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho người dân.

Chưa dám nhận tiền vì chưa có đất TĐC

Vừa qua, khi đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh, khóa X, một số cử tri ở thành phố Biên Hòa cho biết gia đình chưa dám nhận tiền đền bù vì chưa có đất TĐC.

Cử tri Phạm Xuân Hưng (ngụ khu phố 3, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, gia đình ông là một trong những hộ thuộc dự án TĐC được thực hiện trên địa bàn phường Tam Hiệp. Vừa qua, UBND thành phố Biên Hòa gửi giấy báo nhận tiền đền bù nhưng nhiều hộ không dám nhận vì chưa có đất TĐC. Người dân sợ nhận tiền về tiêu xài hết sẽ không còn tiền để thực hiện các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Do đó, người dân khu vực này đề nghị cần nhanh chóng bố trí đất TĐC để người dân yên tâm trong cuộc sống.

Nỗi lo đó không chỉ của riêng cá nhân ông Hưng, mà là nỗi lo chung của nhiều người dân trong diện được bố trí TĐC để thực hiện các dự án, bởi trên địa bàn tỉnh đang nợ hàng ngàn suất TĐC của người dân. Để tháo gỡ điểm nghẽn này và thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc bảo đảm quyền lợi cho người dân thuộc diện giải tỏa, di dời, lần đầu tiên tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22-4-2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy nêu rõ, công tác TĐC phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án đầu tư. Khi chưa có nơi để TĐC đủ điều kiện thì chưa tiến hành thu hồi đất, giải tỏa hộ dân. Khẩn trương giải quyết TĐC cho các hộ tạm cư, không để tình trạng tạm cư kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo nghị quyết, giai đoạn 2014-2023, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành 116 khu TĐC, bố trí cho 13.729/14.501 hộ phải bố trí TĐC. Các hộ dân bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn trước và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại nơi TĐC được bố trí đồng bộ nên đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân tại khu TĐC thuận lợi hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC vẫn rất chậm. Việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu TĐC còn gặp nhiều khó khăn. Một số khu TĐC chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và kịp thời để chủ động bố trí, di dời các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Một số dự án chưa thực hiện bố trí TĐC đã tiến hành thu hồi đất...

Cần sự nỗ lực lớn của toàn tỉnh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, TĐC ở Đồng Nai có 3 yêu cầu. Thứ nhất, trả nợ cho những hộ đã thu hồi đất nhưng chưa bố trí TĐC cho người dân, đối tượng này có hơn 2 ngàn hộ. Thứ hai, TĐC cho các dự án: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3, Đường vành đai 4 và những dự án trọng điểm của tỉnh; số hộ cần TĐC của trường hợp này khoảng 5 ngàn hộ. Thứ ba, TĐC phục vụ cho các dự án sẽ được phê duyệt từ nay đến năm 2025. Với 3 yêu cầu này, bức tranh TĐC của Đồng Nai là trả nợ cái cũ, bố trí hiện tại và cho tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, theo yêu cầu TĐC phải đi trước một bước thì nhu cầu TĐC ở Đồng Nai đang quá lớn, cần sự nỗ lực rất lớn của toàn tỉnh.

Nghị quyết số 14-NQ/TU đề ra mục tiêu rất rõ, từ năm 2025, tất cả quyết định thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi đã bố trí TĐC; từng địa phương phải tự rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí TĐC cho địa phương mình, bảo đảm trước năm 2026 phải hoàn thành 100% việc bố trí TĐC cho số lô TĐC còn nợ chưa bố trí.

Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định nhu cầu TĐC bảo đảm chính xác, đúng với thực tế của địa phương. Việc tính toán, dự báo nhu cầu TĐC chia làm 3 giai đoạn, cụ thể gồm: tính toán chính xác cho các năm 2024, 2025 và dự báo cho giai đoạn 2026-2027 đến năm 2030.

Việc bố trí TĐC vào những khu TĐC liền kề giữa 2 địa phương phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh và sự đồng thuận của người dân bị thu hồi đất; nghiên cứu, có phương án xây dựng chung cư cao tầng để phục vụ bố trí TĐC, bảo đảm phù hợp, tạo điểm nhấn về kiến trúc trong khu vực.

Nghị quyết cũng xác định giá bồi thường phải được tính toán cẩn thận, khoa học, phù hợp với thực tế, giá bồi thường bảo đảm tính tương đồng với giá bồi thường của các địa phương lân cận và đúng theo quy định của Luật Đất đai.

Thực hiện tốt công tác chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi. Rà soát, bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho rằng, để thực hiện đúng quan điểm của Đảng là TĐC phải đi trước một bước, những người dân di dời là người có công thì phải lo cho dân những điều kiện tốt nhất. Nghị quyết số 14-NQ/TU ra đời hy vọng tháo gỡ được điểm nghẽn, không chỉ đảm bảo quyền lợi của người dân, mà còn giúp thúc đẩy tiến độ công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện các dự án, tránh được tình trạng chậm tiến độ tại nhiều dự án như đã xảy ra do những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202406/tai-dinh-cu-phai-di-truoc-mot-buoc-de-an-dan-ae65b5d/