Tái định vị công nghiệp TP.HCM - Bài cuối: Những việc TP.HCM đã và sẽ làm

TP.HCM đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy quá trình tái định vị cấu trúc, vai trò và đóng góp của ngành công nghiệp TP.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ nhiệm vụ phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (điện - điện tử; hóa dược - cao su nhựa; cơ khí chế tạo máy và chế biến lương thực thực phẩm).

Hoạt động sản xuất tại một công ty trong Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HỮU LUẬN

Hoạt động sản xuất tại một công ty trong Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HỮU LUẬN

Nỗ lực tái cấu trúc các khu công nghiệp, chế xuất

Hiện nay, với nhiệm vụ tái định vị ngành công nghiệp, việc quan trọng trước mắt là TP.HCM cần phải định hình các ưu tiên chính sách trong thời gian tới. Việc này có thể được triển khai dựa trên nền tảng chính sách mà TP đã và đang thực hiện với ba nhóm nội dung lớn: Một là cần tái cấu trúc 17 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX); hai là hình thành các cụm công nghiệp (CCN) vùng; ba là xây dựng, triển khai các đề án nghiên cứu phát triển công nghiệp.

Trước hết, về việc tái cấu trúc 17 KCN - KCX, UBND TP.HCM đã chỉ đạo và giao Ban quản lý các KCX và công nghiệp (Hepza) xây dựng đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, KCN TP.HCM giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Các KCN - KCX hiện hữu sẽ được chia làm ba nhóm và mỗi nhóm sẽ có một định hướng phát triển riêng.

Cụ thể, nhóm 1 tập trung vào các KCN - KCX còn phù hợp với quy hoạch, cụ thể như các KCN Đông Nam, Tân Phú Trung, Cơ khí ô tô, Lê Minh Xuân 3. Với nhóm này, TP có chủ trương tiếp tục thu hút đầu tư cho diện tích đất còn lại theo định hướng, hỗ trợ dự án công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất.

Nhóm thứ hai là các KCN - KCX chuyển đổi một phần, cụ thể như các KCX Tân Thuận, Linh Trung 1, Linh Trung 2; các KCN Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Tân Tạo mở rộng, Tây Bắc Củ Chi, An Hạ. Với nhóm này, TP định hướng sẽ từng bước chuyển đổi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hiện hữu đổi mới công nghệ hoặc di dời, thu hút dự án dẫn dắt thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Nhóm cuối cùng là nhóm các KCN - KCX chuyển đổi toàn bộ, cụ thể gồm có các KCN Cát Lái, Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Tân Bình, Tân Tạo hiện hữu, Vĩnh Lộc. Nhóm này sẽ chuyển đổi mô hình theo hướng dịch vụ.

Hiện nay, với nhiệm vụ tái định vị ngành công nghiệp, việc quan trọng trước mắt là TP.HCM cần phải định hình các ưu tiên chính sách trong thời gian tới.

Tái cấu trúc theo xu hướng thế giới

Bên cạnh việc lập kế hoạch tái cấu trúc, tất cả KCN - KCX hiện nay tại TP.HCM buộc phải có lộ trình tái cấu trúc. Mỗi bước đi của lộ trình này phải tiệm cận với định hướng KCN sinh thái theo tiếp cận của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) năm 2014 và Nghị định 82/2018 của Chính phủ.

Xu hướng và cách tiếp cận của việc tái cấu trúc nói trên là phù hợp với bối cảnh siêu đô thị TP.HCM, đồng thời cũng phù hợp với trình độ, thu nhập bình quân đầu người ở mức trên 5.000 USD của TP.HCM; phù hợp với xu thế đổi mới sáng tạo và đề xuất của UNIDO theo dự án xây dựng KCN sinh thái cho Việt Nam.

Đối với các KCN mới, TP sẽ xây dựng các đề án định hướng phát triển cho từng KCN mới trong giai đoạn 2023-2025. Sẽ có một số mô hình mà TP nhắm tới, điển hình như: KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ. Những mô hình này được nêu rõ tại Nghị định 35/2022 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế. Nói cách khác, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng các KCN chuyên ngành, phân KCN chuyên ngành trong KCN theo định hướng của TP nhằm tạo ra các cụm liên kết ngành trong KCN hoặc với các KCN lân cận trong khu vực.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghiệp, TP.HCM cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch; nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI); thu hút đầu tư vào công nghiệp có trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao.

ThS NGUYỄN MẠNH LINH, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương

Phát triển cụm công nghiệp

Nhóm chính sách tiếp theo TP.HCM hướng đến đó là hình thành các CCN vùng. Việc này dựa trên các mối liên kết giữa trung tâm trong vùng Đông Nam Bộ với nhau để tạo thành mạng lưới kinh tế vùng trên các trục hành lang; mở rộng phát triển đô thị và hệ thống khu, CCN, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị trung tâm tỉnh và vùng.

Việc phát triển các CCN hướng tới phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế; liên kết phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam với các hành lang kinh tế trong khu vực.

Trong bối cảnh diện tích đất KCX và công nghiệp TP bị hạn chế, doanh nghiệp TP sẽ mở rộng đầu tư ra các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với những ngành nghề phù hợp.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, nhiều địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được quy hoạch diện tích đất KCN đến năm 2020 với quy mô lớn, đặc biệt là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước. Các địa phương này đang lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo diện tích KCN ở các địa phương này đến năm 2030 sẽ tăng lên.

Những đề xuất cơ chế vượt trội cho công nghiệp

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về các cơ chế vượt trội phát triển TP.HCM đã được trình lên Quốc hội, vấn đề công nghiệp được đề xuất cụ thể.

Điển hình, về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP xác định đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên.

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, Ban quản lý các KCX và KCN TP được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi Khu công nghệ cao, KCN - KCX được giao quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý tại TP...

Nghiên cứu phát triển công nghiệp bền vững

Nhóm chính sách thứ ba mà TP.HCM cần thúc đẩy đó là xây dựng, triển khai các đề án nghiên cứu về chiến lược phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp trọng yếu và các chính sách hỗ trợ. Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Hepza, cho biết chính quyền TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các hạn chế về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Quyết định 1353 của UBND TP về phê duyệt đề án “Định hướng phát triển các KCX, KCN TP.HCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đề xuất những ưu tiên trong các đề án nghiên cứu phát triển công nghiệp của TP cần tiếp cận sát với thực tế, nhất là dựa vào những tiềm năng lợi thế hay ưu thế riêng của TP để xác định danh mục sản phẩm chủ lực. Các đề án cũng cần bám sát chương trình công nghiệp hỗ trợ và chương trình kích cầu. Đặc biệt, TP tìm kiếm và nhận diện các doanh nghiệp đầu tàu, có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái sản xuất các sản phẩm chủ lực.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định TP cũng đang triển khai một số nội dung hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp. Điển hình như việc chính quyền TP đã bố trí đủ quỹ đất (tối thiểu 3 ha) để Bộ Công Thương xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng; hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại TP.HCM theo Nghị quyết 81 năm 2023 của Quốc hội; xây dựng và phát triển trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, bổ sung quỹ đất công nghiệp…

“Quan trọng hơn, TP cũng đang trình Quốc hội về các chính sách vượt trội (trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54) để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào một số ngành ưu tiên và công nghiệp công nghệ cao. Nếu được thông qua và triển khai hiệu quả thì các cơ chế và giải pháp chính sách mới sẽ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công nghiệp TP.HCM theo hướng công nghệ cao, xanh hóa và bền vững” - ông Vũ nói.•

ĐẠI THẮNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-dinh-vi-cong-nghiep-tphcm-bai-cuoi-nhung-viec-tphcm-da-va-se-lam-post736737.html