Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Đây là chủ đề Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 23-3, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hậu Covid-19 và biến động chung của thế giới diễn ra.
Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Thêm một yếu tố cần quan tâm đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chủ tịch VCCI cho biết, từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều.
“Như vậy, trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, thì cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cũng phải văn minh, hiện đại. Không phải phát triển chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh. Vấn đề này cũng được VCCI đặt ra từ Đại hội VII năm 2021, đó là thúc đẩy xây dựng nền tảng cho đạo đức văn hóa kinh doanh của doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới. Chính vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ khác đi, định vị lại doanh nghiệp của mình, từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp trong ngành nói riêng và trong tổng thể của một nền kinh tế nói chung, định vị lại cả năng lực công nghệ, cung cách quản trị doanh nghiệp,...”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, trải qua hai năm rưỡi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước.
Bà Trần Thị Hồng Minh chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể, thứ nhất, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thứ tư, là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Do đó, để giải quyết các thách thức nêu trên, bà Minh cho biết, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, tái định vị và phát triển bền vững doanh nghiệp không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
Do đó, ông Nguyễn Hồng Long khẳng định, VCCI có vai trò rất quan trọng, là cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của doanh nghiệp với Chính phủ.