Tái định vị lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp chế biến nông sản
Nhìn vào chiến lược của một số doanh nghiệp nổi trội như GC Food, Vinamit, thủy sản Nam Việt… để thấy việc tái định vị lợi thế cạnh tranh thông qua công nghệ cao, mở rộng nhà máy sản xuất và vùng trồng nguyên liệu, khép kín chuỗi giá trị, đa dạng thị trường, am hiểu về chất lượng và tiêu chuẩn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản cần làm trong lúc này. Không những thế, họ còn cần tập trung vào giá trị cốt lõi để nâng tầm thương hiệu dựa trên các giá trị gia tăng.
Là một doanh nghiệp (DN) có thế mạnh về chế biến nha đam và thạch dừa, CTCP thực phẩm G.C (GC Food) trong năm nay đang tập trung xuất khẩu (XK) vào những thị trường có thế mạnh như Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như nhắm đến khai thác thêm thị trường tiềm năng với dân số lớn và trẻ, có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc, Ấn Độ.
Hướng đến công nghệ cao
Để đạt hiệu quả XK, công ty này cố gắng đáp ứng các yêu cầu từ đơn hàng của đối tác và đưa ra các hỗ trợ về sản lượng, chính sách giá. Nhờ đó có những khách hàng chủ lực đã tăng sản lượng đặt hàng đến 50%.
Các DN chế biến nông sản cần tái định vị lợi thế cạnh tranh của mình thông qua công nghệ cao, mở rộng nhà máy sản xuất và vùng trồng nguyên liệu, khép kín chuỗi giá trị, đa dạng thị trường, nâng tầm thương hiệu.
Nhằm tăng thêm lợi thế cạnh tranh, chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào trung tuần tháng 4 này, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT của GC Food, cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng 2 nhà máy chính nhằm chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với nguồn nguyên liệu từ cây nha đam, dừa và một số loại nông sản.
Việc mở rộng nhà máy chế biến nông sản sẽ giúp công ty này tăng công suất gấp đôi, dự kiến sản lượng sản xuất tăng tương ứng 150%, giúp tăng doanh thu. Song song đó, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao nhằm tiết giảm chi phí trong khâu chế biến cũng được kỳ vọng giúp tăng lợi nhuận trong năm nay gấp đôi so với năm 2023. Và nếu trong năm 2024 có thể thâm nhập vào những thị trường có sức tiêu dùng lớn thì 4 năm tới công ty sẽ mở rộng vùng trồng nha đam lên 500ha để đáp ứng được nhu cầu thị trường.
“Về mặt chiến lược, chúng tôi tái định vị là công ty công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm. Điều này đòi hỏi việc tăng quy mô sản xuất, tìm các giải nâng cao hiệu quả vùng nguyên liệu, gia tăng khả năng tự cung cấp nguyên liệu đối với các công ty thành viên”, ông Thứ bộc bạch.
Hoặc với một DN hàng đầu về XK thủy sản như CTCP Nam Việt (ANV), mới đây trong tài liệu phục vụ cho đại hội cổ đông thường niên 2024, có đặt ra mục tiêu trọng yếu là đưa công ty trở về vị trí dẫn đầu của ngành thủy sản bằng việc tận dụng các lợi thế sẵn có với chuỗi giá trị khép kín từ chế biến thức ăn thủy sản, nuôi trồng cho đến chế biến XK. Đồng thời, công ty sẽ phát triển đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cá tra, đa dạng hóa thị trường, duy trì phát triển bền vững.
Xét về chiến lược phát triển trung và dài hạn, theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc của ANV, công ty sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu, áp dụng công nghệ cao và hoàn thành chuỗi giá trị khép kín. Đầu tư sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thu được trong chuỗi sản xuất từ nuôi trồng cho đến chế biến XK (như sản xuất sản phẩm Collagen, Gelatin, Surimi…).
Ông Doãn Tới cũng lưu ý rõ về rủi ro thị trường XK. Chẳng hạn như việc XK sang các thị trường chính như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nam Mỹ…vẫn còn nhiều rủi ro do rào cản thương mại chặt chẽ từ các nước nhập khẩu, sự cạnh tranh các sản phẩm cùng loại, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, xung đột địa chính trị…Cho nên ngay từ đầu công ty đã định hướng rõ trong việc đa dạng thị trường XK, phát triển thị trường nội địa, tránh việc tập trung quá nhiều vào bất cứ một thị trường nào nhằm giảm thiểu rủi ro.
Nâng tầm thương hiệu dựa trên các giá trị gia tăng
Hay như định hướng của CTCP Vinamit - một công ty chuyên về XK trái cây sấy. Theo tổng giám đốc Nguyễn Lâm Viên, công ty đã trở thành một DN khoa học công nghệ. Chính vì vậy nên công ty đang tiếp tục xây dựng một viện nghiên cứu và ứng dụng về khoa học sức khỏe. Điều này vừa nhằm nâng tầm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm giá trị của những cây trồng và vừa nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Viên nhấn mạnh với xu hướng toàn cầu đang diễn ra, các DN chế biến nông sản trong nước phải chuẩn bị một tư thế am hiểu về tiêu chuẩn, am hiểu chất lượng, am hiểu về xu hướng bền vững để sẵn sàng tham gia những thị trường lớn. Và bản thân công ty về mặt chiến lược đã chuẩn bị rất kỹ cho hoạt động này.
Có thể nói việc tái định vị lợi thế cạnh tranh thông qua công nghệ cao, mở rộng nhà máy sản xuất và vùng trồng nguyên liệu, khép kín chuỗi giá trị, đa dạng thị trường, am hiểu về chất lượng và tiêu chuẩn như trường hợp của GC Food, ANV hay Vinamit là điều mà các DN nội địa trong lĩnh vực chế biến nông sản cần tham khảo, để từ đó có những chiến lược phù hợp cho riêng mình.
Không những vậy, điều không thể thiếu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh là các DN chế biến nông sản cần tập trung vào giá trị cốt lõi nhằm nâng tầm thương hiệu dựa trên các giá trị gia tăng. Điều này có ý nghĩa quan trọng để cho họ có được thành công trên thị trường quốc tế.
Đặt ra trường hợp cụ thể là các DN trong ngành hàng chế biến cà phê. Ts. Abel D. Alonso (Đại học RMIT) đã đưa ví dụ, ở Việt Nam, một đơn vị sản xuất cà phê có thể nâng tầm thương hiệu bằng cách trồng cà phê bền vững, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nông trại, tổ chức các hoạt động du lịch liên quan đến cà phê, hoặc chia sẻ những câu chuyện về người nông dân.
“Một cách khác để các DN chế biến nông sản xây dựng thương hiệu là đưa sản phẩm lên tầm cao mới. Nếu có thể đưa ra một quy tắc chung ở đây thì đó là DN vừa phải truyền tải những trải nghiệm, hình ảnh và câu chuyện đáng nhớ, vừa phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng nhất quán cho thấy lời nói đi đôi với việc làm”, Ts. Alonso phân tích.
Không những thế, chất lượng sản phẩm có tầm quan trọng rất lớn đối với giá trị thương hiệu của các DN chế biến nông sản nếu muốn tăng lợi thế cạnh tranh. Điều này rất cần các DN nội địa nên có sự đầu tư đúng đắn và cam kết lâu dài với những sản phẩm nông sản mà mình muốn bán trên thị trường. Để làm được điều đó, họ cần thực sự lắng nghe khách hàng, thấu hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới.
Nhất là các DN chế biến nông sản nên định vị lại việc dùng bản sắc Việt để kể câu chuyện của mình cho các khách hàng quốc tế. Họ không nên chỉ chạy theo xu hướng mà nên cố gắng tạo ra xu hướng và dẫn dắt thị trường trong nước và trên toàn cầu. Có như vậy thì lợi thế sẽ thuộc về họ một cách rõ ràng hơn.