Tái đồng !
Hôm về làng sau tết gặp đứa cháu họ mặt nhăn như quả táo tàu. Vừa dỗ con, nó vừa nói chuyện với tôi. Câu chuyện cho thấy nó đang có sự xung đột về tâm lý. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là câu chuyện đang tồn tại với nhiều người làng: Tiếp tục làm công nhân hay trở lại là nông dân.
Từ hơn mươi năm trước cháu họ đã có gia trại trồng rau, quả, nuôi lợn, chim câu, cua đồng, cá, ốc nhồi. Không giàu, nhưng có đồng ra đồng vào. Qua mấy năm dịch bệnh, rớt giá thực phẩm, nó trở nên khó khăn. Nó hỏi tôi có nên tiếp tục làm nông hay chuyển đổi nghề. Khi ấy nhà máy may về làng, ngay sát nách gia trại của nó. Nhiều người trong làng bỏ ruộng hoang đi làm công ty. Nó cũng muốn làm, bởi khi ấy công nhân thu nhập khoảng dăm triệu đều đều mỗi tháng, nếu tăng ca có thể lên đến bảy, tám triệu đồng. Tôi khuyên nó tính toán kỹ, vì chả dễ gì để có một gia trại. Làm nông có lúc này lúc kia, nhưng bền vững.
Mấy lần sau về làng, vào giờ tan tầm công nhân từ nhà máy may kín các ngả đường, cháu họ tôi cũng trong số đó. Nó nói bây giờ cháu có thu nhập ổn định hàng tháng, chả phải lo dịch bệnh hay rớt giá nữa. Tôi hỏi gia trại thế nào, nó bảo cháu bỏ kệ, trồng rau ăn thôi chú. Tôi nhìn những dãy ao, chuồng một thời lợn kêu, cá quẫy, giờ mốc meo, bèo vây kín. Trong vườn vài luống rau nhỏ mọc tự nhiên. Cả cánh đồng phía Đông Nam làng gần chục gia trại sáng điện cả đêm, xe cộ ra vào hàng ngày, nay im ắng lắm. Nhà máy về làng đem việc làm đến cho người dân. Rất tích cực nhưng cũng không tránh khỏi sự thảng thốt. Nhà máy liệu có đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân ở làng tôi không? Tôi thầm mong sẽ chẳng có biến cố nào xảy ra cả, nhưng tôi vẫn có linh cảm gì đó. Tôi khuyên cháu họ gắn bó với nhà máy nhưng đừng bỏ hoang gia trại, cần thiết thì thuê người. Nó cứ khăng khăng rằng sẽ chẳng có điều gì đâu. Đi qua những cánh đồng làng tôi thấy xót xa cho những bờ xôi ruộng mật cỏ mọc ngang người. Bác chủ tịch xã mấy lần lên thành phố khoe tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của xã rất ổn, đều là nhờ cái anh nhà máy may về làng mình cả. Trông vào mấy sào ruộng dân ta sao khá lên được. Bác chủ tịch có cái lý của mình, tôi không muốn làm mất hứng. Tôi vẫn nghĩ rằng phát triển kinh tế muốn ổn định phải đi bằng nhiều chân, trong đó nông nghiệp và công nghiệp là hai trụ đỡ quan trọng, không bỏ trụ nào được.
Khủng khoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều người lao động mất việc, phải giãn việc. Những khuôn mặt có phần thẫn thờ của họ tôi gặp trong lần về quê gần nhất, trong đó có đứa cháu họ, khiến tôi thấy mình như cũng mất cắp điều gì. Tôi đọc một bài báo mới đây thông tin số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I-2023 ở mức gần 294.000 người, chủ yếu ở ngành may mặc, da giày. Trước đó, trong quý IV-2022 là 118.000 lao động. Dự báo cắt giảm việc làm tại các doanh nghiệp chưa có ý định dừng trong những ngày tới. Hiện doanh nghiệp dệt may nào cố gắng lắm cũng chỉ đảm bảo được 70% đơn hàng, ít thì 30%, doanh nghiệp nhỏ thậm chí là không có.
Mấy hôm trước cháu họ điện lên nhờ tôi hỗ trợ một phần vốn để tái đồng. Nó dự kiến sẽ dọn chuồng trại, cải tạo lại đất để tiếp tục canh nông. Tôi ra điều kiện nếu nó gắn bó lâu dài thì sẽ hỗ trợ vay một phần vốn. Nó đồng ý, bởi mấy tháng không có thu nhập khiến nó thấm thía rồi. Nông dân phải gắn bó với ruộng đồng, nghĩ cách để đất đơm hoa kết trái, chứ không phải một hai vụ mất mà bỏ đồng. Nhà máy về làng, nhưng không phải người làng nào cũng bỏ đồng làng để vào nhà máy. Thuận hòa nguồn lực lao động mới tạo ra những làng quê yên bình, nguồn lực đất đai mới không lãng phí.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tai-dong/183144.htm