Tái hiện 'đệ nhất hùng quan' trên đỉnh Hải Vân

Từ những dấu tích còn sót lại, các công trình chứa đựng hồn cốt văn hóa, lịch sử trên đỉnh đèo Hải Vân đã được phục dựng, sống lại hồn cốt 'thiên hạ đệ nhất hùng quan' một thời.

Cao 500m so với mực nước biển

"Lâu nay, Hải Vân Quan chỉ còn lại như phế tích, duy nhất chiếc cổng gạch rêu phong, lô cốt. Giờ thì khác rồi, một phiên bản đúng bản gốc đã được phục dựng thành công", ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng mở đầu câu chuyện.

Toàn cảnh Hải Vân Quan sau khi được phục dựng. Ảnh: Văn Tư.

Toàn cảnh Hải Vân Quan sau khi được phục dựng. Ảnh: Văn Tư.

Khi hầm Hải Vân đưa vào khai thác (từ năm 2005), các phương tiện hạn chế đi đường đèo. Tuy nhiên, giới phượt thủ, những người ưa thích du lịch, trải nghiệm thiên nhiên vẫn di chuyển bằng đường đèo và dừng lại Hải Vân Quan, nơi giáp ranh giữa Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng.

Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan, không chỉ để ngắm cảnh mà còn nhằm mục đích phòng thủ cho kinh thành Huế.

Giờ đây, đến Hải Vân Quan, du khách không chỉ có dịp được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn mà còn có thể cảm nhận quá trình phát triển của toàn bộ vùng đất từng được mệnh danh là "chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng".

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng

Với độ cao gần 500m so với mực nước biển, Hải Vân Quan trong tư duy vua Minh Mạng không chỉ nằm theo hướng bắc - nam của đường thiên lý, mà còn theo hướng tây - đông của núi Hải Vân, từ đất liền nhìn ra biển khơi xa. "Việc lấy tên "đệ nhất Hùng Quan" để thể hiện quyền uy của nhà Nguyễn", ông Thiện nói.

Các đời vua Nguyễn đã xây dựng cụm di tích Hải Vân Quan bao gồm cổng, nhà trú sở (nhà nghỉ), nhà vũ khố (kho vũ khí), pháo đài ở cửa ải Hải Vân, 7 cỗ thần công để phòng thủ cả trên núi cao lẫn ngoài biển. Sau nhiều thế kỷ, Hải Vân Quan chịu chung số phận với sự suy tàn của nhà Nguyễn.

Ông Thiện kể, trước năm 2022, nơi đây chỉ còn vài chiếc lô cốt, chiếc cổng xuống cấp: "Cái còn lại trước mắt các nhà khảo cổ, các nhà khoa học là tấm bản đồ công trình thời nhà Nguyễn và những tấm hình cũ từ thời Pháp thuộc. Người ta đam mê chụp ảnh và thường hiểu đơn giản đây là nơi vãn cảnh xa xưa của vua quan".

Đào từng mét đất tìm di vật

Để thực hiện công tác phục dựng, bắt đầu từ năm 2017, ngành văn hóa, du lịch của 2 địa phương Huế - Đà Nẵng đã phải tổ chức hai hội thảo khoa học, mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư tham dự. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra.

Những tư liệu hiếm hoi về kiến trúc Hải Vân Quan còn lưu được từ thời Pháp thuộc.

Những tư liệu hiếm hoi về kiến trúc Hải Vân Quan còn lưu được từ thời Pháp thuộc.

"Cuối cùng, tất cả thống nhất bới từng mét đất để tìm dấu tích còn sót lại của cụm di tích", ông Thiện, cho biết.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, sau hai hội thảo, tất cả đều thống nhất khôi phục Hải Vân Quan theo hiện trạng dưới thời vua Minh Mạng năm 1826, nhưng cũng linh hoạt bảo tồn một số hạng mục theo hướng thích nghi.

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bắt đầu phối hợp thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng.

Theo đó, các di tích như Hải Vân Quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan, hệ thống tường thành nhà Nguyễn, nhà trú sở, nhà vũ khố… được trùng tu theo đúng nguyên gốc triều Nguyễn.

Những hình ảnh cũ còn lưu lại giúp các nhà kiến trúc phục dựng nguyên bản Hải Vân Quan.

Những hình ảnh cũ còn lưu lại giúp các nhà kiến trúc phục dựng nguyên bản Hải Vân Quan.

Tuy nhiên trước đó, để phục dựng lại một bản kiến trúc sao y bản chính, các nhà kiến trúc, nhà khảo cổ phải phát rừng, bới từng lớp đất. Khi đào xuống khoảng 1m, rất may nền công trình của cụm di tích Hải Vân Quan vẫn còn nguyên vẹn.

"Với sự đóng góp của khảo cổ học, thư tịch học, nhiều hạng mục trước đây không còn cũng đã được phục dựng", ông Hùng cho biết.

Ông Phan Tiến Dũng, nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, gần 30 năm trước, khi đang còn công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông đã làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho Hải Vân Quan.

Tuy nhiên, khi ấy đại diện 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế không thống nhất được với nhau vì ranh giới không rõ ràng, dẫn đến thời gian dài Hải Vân Quan bị "bỏ rơi".

Đến năm 2016, ông Huỳnh Văn Hùng, khi đó là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng thống nhất những đề xuất này của ông Dũng. Cuối cùng, Hải Vân Quan được công nhận di tích quốc gia, giờ đây đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Văn Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-hien-de-nhat-hung-quan-tren-dinh-hai-van-19224061414262726.htm