Thương hiệu bánh mứt 75 năm tuổi ở Sài Gòn

Người gầy dựng thương hiệu bánh mứt này cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa bánh trung thu tiếp cận rộng rãi hơn với người Việt ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước - nghệ nhân Hoàng Tiến Nội.

Xuất phát điểm từ một hiệu bánh nhỏ trên con phố Hàng Buồm (Hà Nội) vào năm 1949 với sự thành công khi cho ra mắt dòng bánh trung thu được chuẩn chỉnh công thức để phù hợp khẩu vị người Việt, năm 1950, nghệ nhân Hoàng Tiến Nội - thợ bánh chính của thương hiệu Thành Long lúc bấy giờ, quyết định Nam tiến để đưa thương hiệu ngày càng phát triển và gần hơn với thực khách.

Cửa hàng đầu tiên tại thị trường miền Nam đã được mở tại đường Hồng Thập Tự xưa và sau đó những cửa hàng trưng bày sản phẩm cũng đã lần lượt được mở tại chợ Saigon Xưa (chợ Bến Thành ngày nay).

Bánh trung thu là loại bánh đặc biệt không thể thiếu trong các dịp Trung thu - tết đoàn viên ngày nay nhưng ở giai đoạn khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, loại bánh này vẫn còn chưa phổ biến và đa phần được làm bởi những người thợ bánh gốc Hoa. Theo thời gian, các công thức, bí quyết làm bánh cũng được lưu truyền cho các nghệ nhân làm bánh người Việt và càng ngày càng không ngừng hoàn thiện, cải tiến từ hương vị cho đến chất lượng.

Thuở bấy giờ, để kể đến những thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến những cái tên như Đông Hưng Viên, Đồng Khánh, Long Xương, Thành Long... trong đó bánh của Thành Long đặc biệt bởi lẽ những thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng thuở ấy đều là thương hiệu của người Hoa, duy chỉ có Thành Long là bánh trung thu của người Việt.

Ông Hoàng Tiến Nội nhờ đam mê và nhiều năm gắn bó tiếp xúc với nghề làm bánh trung thu, đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm và nắm vững các công thức về các loại bánh đặc biệt là bánh trung thu chính gốc. Điều đó đã thúc đẩy ông khao khát được sở hữu một thương hiệu bánh trung thu của riêng mình.

Sau quá trình thử nghiệm, nghệ nhân Hoàng Tiến Nội đã thành công cho ra sản phẩm bánh trung thu phù hợp nhất với khẩu vị người Việt nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của dòng bánh trung thu chính gốc. Những chiếc bánh trung thu ấy đã làm nên tên tuổi của ông, khởi đầu cho sự ra đời của thương hiệu Thành Long năm 1949 và theo bước ông từ con phố Hàng Buồm đến tận mảnh đất Sài Gòn vào những năm 1950.

Trong những ngày đầu phát triển, thương hiệu Thành Long đã phải trải qua một giai đoạn khá khó khăn đó chính là thời điểm thương hiệu mới Nam tiến. Vốn là một thương hiệu bánh tại miền Bắc, do một người Bắc sáng lập, nên tại thời điểm mới Nam tiến của Thành Long gặp rất nhiều khó khăn, từ phong tục tập quán cho đến địa chính trị còn nhiều bất ổn. Bánh mứt Thành Long khi ấy là một thương hiệu nhỏ, chưa có mấy tiếng tăm, số nhân sự chỉ có chưa tới 10 người, tất cả đều là các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc.

Nhưng nhờ nỗ lực không ngừng đem đến cho khách hàng những hương vị bánh thơm ngon nhất, phù hợp nhất với khẩu vị người Việt nhờ đó, Thành Long đã chinh phục người tiêu dùng và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm cũng đã lần lượt được mở tại các đại chỉ khác ở Sài Gòn.

Thành Long luôn nghiên cứu, cải tiến và sáng tạo nên các công thức làm bánh để cho ra những sản phẩm bánh mứt với nhiều hương vị thơm ngon, nhờ vậy mà sản phẩm của thương hiệu bao năm qua vẫn luôn đứng vững trên thị trường, điều mà không phải thương hiệu bánh cổ truyền nào cũng có thể làm được và duy trì trước nhiều biến cố lịch sử của thời đại. Thương hiệu cũng đạt danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao các năm 2010,2011,2014,2016,2017; Nhận chứng chỉ ISO 22000:2005 năm 2018; Nhận chứng chỉ ISO 22000:2018 năm 2021.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Đạt là truyền nhân đời thứ hai của thương hiệu. Ông có hơn 50 năm kinh nghiệm làm bánh mứt.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Đạt đã sáng tạo ra hơn 100 vị bánh mứt khác nhau.

Công việc làm bánh truyền thống của thương hiệu cũng đang được truyền lại cho đời thứ ba.

Bánh mứt Thành Long ngày nay phổ biến hơn với nhiều dòng sản phẩm khác như các loại mứt, hoa quả sấy dẻo… Nhưng thực tế, sản phẩm làm nên thương hiệu lại chính là bánh trung thu - loại bánh chỉ bán vào thời điểm tháng 8 hằng năm.

Khách hàng quen thuộc của Thành Long sẽ ưu tiên chọn bánh trung thu nhân thập cẩm. Nhân bánh thập cẩm được tuyển lựa ra từ hơn 100 loại nguyên liệu khác nhau mới chọn ra được những nguyên liệu phù hợp nhất khi kết hợp với nhau. Hương vị bánh thập cẩm của Thành Long được chính nghệ nhân Hoàng Tiến Nội nghiên cứu độc quyền, tuy có cải tiến theo thời gian nhưng bánh vẫn có cái nét riêng không thể lẫn.

Loại bánh trung thu Euro đặc biệt với thành phần chính là phô mai, xúc xích, thịt xông khói (các nguyên liệu có nguồn gốc phương Tây). Do có hương vị độc đáo, không giống các vị thập cẩm truyền thống nên loại bánh này được lòng khách nước ngoài và đối tượng khách hàng trẻ đón nhận.

Ngoài bánh truyền thống còn có các dòng bánh đặc thù như bánh ăn kiêng, bánh ăn chay.

Bên cạnh sản phẩm truyền thống, Thành Long là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ sấy dẻo trái cây. Sản phẩm chủ đạo là xoài sấy dẻo, vỏ bưởi sấy dẻo, thơm sấy dẻo, cóc Sấy dẻo, ổi sấy dẻo, mít sấy dẻo. Nhờ những công thức bí truyền lâu đời nên các sản phẩm bánh mứt được đánh giá là thơm ngon chuẩn vị thuần Việt.

Điều đặc biệt là hiện thương hiệu 75 năm tuổi này cũng là đơn vị cung cấp bánh, mứt khắp hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc như: Lotte Mart, Co.op Mart, Big C, Emart, Aeon Mall, Satra Food, Aeon Citi... Hình ảnh gian hàng mứt Tết Thành Long là một phối cảnh không thể thiếu trong các siêu thị lớn mỗi độ xuân về.

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thuong-hieu-banh-mut-75-nam-tuoi-o-sai-gon-44157.html