Tái hiện hai giai đoạn ấn tượng của Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ
Men theo dòng chảy lịch sử, 'Thăng Long Kinh Kỳ- Kẻ Chợ' đã phác họa bức tranh sống động về văn hóa, phong tục, lịch sử, con người của Hà Nội xưa trong những biến thiên của thời cuộc.
Nằm trong các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4, Nhà Xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt ấn phẩm Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ do hai tác giả Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng biên soạn.
Đây là tựa sách mới nhất trong Tủ sách kiến thức di sản của NXB Kim Đồng về Hà Nội, gồm 300 trang, chia thành hai cuốn Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (Thời Lê - Trịnh) và Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (thời Tây Sơn và nhà Nguyễn). Tác phẩm phác họa bức tranh sống động về văn hóa, phong tục, lịch sử, con người của Hà Nội xưa, trong hai giai đoạn ấn tượng này.
Thời Lê Trung Hưng là thời kỳ đặc biệt khi đất nước vừa có vua, vừa có chúa. Không chỉ là trung tâm chính trị và văn hóa, Thăng Long còn là trung tâm kinh tế của đất nước, nơi tập trung 30 ngành sản xuất thủ công và là đầu mối thương nghiệp của cả nước, giao thương với các nước phương Tây lớn như Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha... nên được gọi là Kẻ Chợ hoặc Thăng Long - Kẻ Chợ.
Đến thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, Thăng Long mang diện mạo mới với tên mới là Hà Nội nhưng vẫn gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống trước đây.
Trong ấn phẩm này, các tác giả không chỉ biên soạn, tổng hợp nội dung từ các nguồn tư liệu về Thăng Long - Hà Nội xưa, mà vận dụng nhiều điểm nhìn để soi chiếu vùng đất này. Hai tác giả sử dụng lối viết ngắn gọn, ưu tiên đặc tả các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử gắn với Thăng Long - Hà Nội giai đoạn từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, kèm theo những bình luận hóm hỉnh, qua đó phục dựng bức tranh Hà Nội xưa sống động, dễ hiểu.
Ngoài các bài ngắn về con người, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật..., Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ còn có phần niên biểu tóm lược các mốc thời gian quan trọng, gắn với các sự kiện nổi bật của Thăng Long - Hà Nội để bạn đọc tiện theo dõi và tra cứu.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Trương Quý cho biết anh đánh giá cao 2 cuốn sách mỏng này ở góc nhìn rất cởi mở về lịch sử, viết về những nhân vật lịch sử không đơn giản, một chiều mà phản ánh thú vị, sinh động, có những mặt sáng, mặt tối.
Ví dụ như các chúa Trịnh trong cuốn sách này được phác họa tuy chuyên quyền với các vua Lê, tàn bạo với những người khác ý họ nhưng mặt khác họ cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bằng cách mở cửa đón các thương nhân nước ngoài, mở các thương điếm ở Hà Nội…
"Cuốn sách bắt đầu thoát ly dần khỏi cách diễn đạt sử thi theo hướng diễm lệ hóa lịch sử như trước đây mà bắt đầu đi theo hướng viết sử gần với những khảo sát nhân học, gần với con người, hành trạng, số phận. Lịch sử được làm nên từ những mảnh nhỏ như thế chứ không phải chỉ có những đại tự sự, những cảm hứng sử thi trùm lớp cuồn cuộn", nhà văn Trương Quý nói.