Tái hiện màn tập trận cờ lau gắn với vua Đinh Tiên Hoàng
Tại lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế, màn sân khấu tái hiện cuộc tập trận cờ lau đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Sáng 24/3, tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, UBND huyện Gia Viễn tổ chức lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế. Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình dự lễ kỷ niệm.
Vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ có tên là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm 924 ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), thân phụ là Đinh Công Trứ làm quan Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An).
Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ là Đàm Thị về quê, nương thân với chú ruột là Đinh Dự. Ông thường cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, lập trận giả đánh nhau, tỏ rõ có tài chỉ huy. Bọn trẻ thường khoanh tay làm kiệu để rước ông.
Đến tuổi trưởng thành, thấy đất nước đang lâm vào cơn hỗn loạn, Đinh Bộ Lĩnh chiêu tập trước hết là các bạn thuở cờ lau tập trận, sau đến các nghĩa sĩ quanh vùng. Bấy giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nhờ thông minh mưu lược có khí phách, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng theo về rất đông.
Sau khi xây dựng lực lượng, thu phục nhân tài, phất cờ hiệu triệu dân chúng, nghĩa quân do Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu thắng đó, được tôn là Vạn Thắng Vương.
Năm Mậu Thìn (968), ông lên ngôi, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà vua cho đúc tiền đồng 'Thái Bình Hưng Bảo', là đồng tiền xưa nhất của nước ta. Ông còn xây dựng kỉ cương, đặt các luật lệ để yên dân.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn nhấn mạnh: Vùng đất Gia Viễn, nơi sinh ra Đinh Tiên Hoàng đế là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất 'địa linh nhân kiệt', nơi hội tụ, giao thoa, lan tỏa khí thiêng.
Theo ông Hùng, lễ kỷ niệm không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân vua Đinh Tiên Hoàng mà còn là thời điểm để huyện nhìn lại, để thấy được sự đổi thay trong đời sống nhân dân, sự phát triển về kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Gia Viễn là địa phương có mật độ dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa, tâm linh, lễ hội.
Chính sự hội tụ những điểm đặc biệt đó đã tạo nên một sức hấp dẫn mạnh mẽ, dung nạp những con người và tinh hoa văn hóa bốn phương, tạo nên di sản truyền thừa quý báu của một triều đại oai hùng, sáng mãi với tên tuổi của người con quê hương kiệt xuất Đinh Bộ Lĩnh.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Viễn sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương vua Đinh, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.