Tái hiện Tết xưa trong đời sống đương đại

Những ngày cuối năm này, không khí lạnh tràn về rét buốt. Dù lạnh đến tê tái nhưng ai nấy hẳn đều cảm nhận được Tết Giáp Thìn đang đến thật gần. Cũng như các quận nội thành Đà Nẵng, vùng nông thôn Hòa Vang bắt đầu tràn ngập sắc xuân, cảm nhận rõ hơn hương vị Tết cổ truyền với nhiều hoạt động tái hiện, phục dựng không gian tết xưa tại lễ hội 'Tết Việt' năm 2024 đang được hoàn thiện, sẵn sàng cho lễ khai mạc vào tối nay (26-1)…

Lễ hội “Tết Việt Giáp Thìn 2024” Hòa Vang sẵn sàng đón khách tham quan.

Lễ hội “Tết Việt Giáp Thìn 2024” Hòa Vang sẵn sàng đón khách tham quan.

Ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng Phòng Văn hóa &Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ, lễ hội năm nay có gần 20 hoạt động do huyện, 11 xã và các đơn vị khác cùng tham gia. Các xã sẽ dàn dựng mô hình không gian tết xưa trong những ngôi nhà cổ, hình ảnh chợ quê đầy đủ phong vị, màu sắc của các phiên chợ tết xưa với các gian hàng như cửa hàng mậu dịch, gian hàng áo dài, gian hàng chợ hoa. Bên cạnh đó, mỗi xã còn chọn 1 ông đồ mặc trang phục truyền thống để biểu diễn viết thư pháp, tặng chữ cho người dân; thi trình bày mâm cỗ ngày tết, nấu bánh chưng, bánh tét, diễu hành xe đạp hoa và tham gia các trò chơi dân gian... Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, các đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn mang đến lễ hội các hoạt động hấp dẫn như không gian Hô hát Bài Chòi, vũ điệu “Tung tung, ya yá” của đồng bào Cơ Tu, hội thi trình diễn trang phục ngày tết, tìm kiếm tài năng nghệ thuật, nhảy tiktok cover và các không gian ẩm thực, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương...

Ngôi nhà xưa bằng tranh, tre nứa trong đời sống người dân vùng cao được xã Hòa Phú phục dựng.

Ngôi nhà xưa bằng tranh, tre nứa trong đời sống người dân vùng cao được xã Hòa Phú phục dựng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu cho biết thêm, lễ hội ngày tết nói chung và Tết cổ truyền Việt Nam nói riêng đều mang những nét đặc sắc riêng song không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng mà nó mang lại. Không biết mọi ngày như thế nào nhưng cứ vào dịp tết thì dù có xa xôi cách trở đến đâu người ta cũng muốn về nhà. Tết là dịp sum họp đoàn viên, là ngày mọi gia đình có chung niềm vui đoàn tụ ấm áp bù đắp cho một năm lao động vất vả cực nhọc, bôn ba bên ngoài. Theo đó, không chỉ là một lễ hội, tết còn mang trong mình những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong bối cảnh ngày nay, khi xã hội ngày một phát triển, cùng với việc hình thành những giá trị văn hóa mới và đời sống hiện đại, những nét văn hóa cổ xưa cũng dần nhạt phai theo năm tháng nếu không được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Vì vậy, các đơn vị tham gia lễ hội lần này đều có những hoạt động trưng bày, tái hiện không khí phong vị tết xưa theo kế hoạch của huyện.

Xã Hòa Châu tái hiện Làng cổ Phong Nam đón tết cổ truyền.

Xã Hòa Châu tái hiện Làng cổ Phong Nam đón tết cổ truyền.

Ông Đặng Công Thiện (quê xã Hòa Phong, hiện trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) trải lòng: “Mỗi lần về quê và được trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội “Tết Việt” xưa cùng con cháu, tôi thực sự xúc động khi thấy những không gian giản dị từ những gian nhà đơn sơ được kết bằng tranh, tre nứa và trưng bày các nông cụ sản xuất… mà mọi người đang nỗ lực tái hiện; tôi có cảm giác như mình được sống lại thời ấu thơ. Cũng như tôi, hầu hết mọi người ở mọi thành phần, lứa tuổi đều muốn quay về gia đình trong những ngày tết. Ai ai cũng muốn được bên nhau trong mấy ngày xuân. Vui tết nhưng phải ở quê mình thì mới cảm nhận được sự an yên, ấm áp”.

Được biết, Lễ hội “Tết Việt Giáp Thìn 2024” Hòa Vang tổ chức từ chiều 26-1 đến ngày 29-1 (nhằm ngày 16 đến ngày 19 tháng Chạp năm Quý Mão) tại 3 khu vực chính: Trung tâm hành chính huyện (thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong), tuyến đường Quảng Xương (từ Trung tâm hành chính huyện đến chợ Túy Loan) và Phố đêm Túy Loan.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tai-hien-tet-xua-trong-doi-song-duong-dai-post290132.html