Tái hôn lúc 67 tuổi, 'chuyện ấy' thế nào là... vừa?
Cha tôi tái hôn khi đã 67 tuổi, chúng tôi rất mừng nhưng đọc báo thấy đây đó các cụ ông khi làm chuyện nam nữ dễ bị thượng mã phong…
Bạn đọc N.H.A. (nam, TP HCM), hỏi: Chào bác sĩ, cha tôi năm nay 67 tuổi, sức khỏe tốt và sắp tới có dự định kết hôn lần 2 (mẹ tôi đã mất gần 20 năm). Chúng tôi cũng mừng cho ông vì biết con chăm cha chẳng thể nào bằng bà chăm ông. Tuy nhiên cha và mẹ sau có ý định sống riêng vì 2 anh em tôi đều đã có gia đình. Tôi lại đọc báo thấy rằng có rất nhiều cụ ông bị "thượng mã phong", trụy tim chỉ vì chuyện vợ chồng khi đã lớn tuổi nên hơi lo. Mẹ sau của tôi năm nay 48 tuổi và bản thân bà cũng muốn trang bị một số kiến thức cần thiết để chăm sóc ông. Xin bác sĩ cho hỏi tôi nên đưa cha đi khám, tầm soát những bệnh gì để bớt lo chuyện "thượng mã phong", đồng thời mẹ tôi cần trang bị kiến thức cấp cứu gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào anh, trước hết xin chúc mừng hạnh phúc cho bố của anh. Ở độ tuổi của bác tìm được người bạn đời cùng nhau chia sẻ vui buồn và chăm sóc cho nhau là rất quý. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe trong quan hệ vợ chồng, Bác cần tập thể dục, rèn luyện sức khỏe phù hợp lức tuổi và quan hệ điều độ.
Để việc quan hệ điều độ, nên tuân thủ "quy luật con số 9", được nghiên cứu bởi các chuyên gia tình dục học Mỹ. Rất đơn giản: tần suất quan hệ = số đầu của tuổi x9. Số hàng chục của kết quả sẽ là số tuần cần duy trì chu kỳ quan hệ, số hàng đơn vị là số lần quan hệ trong số tuần đó. Ví dụ bố bạn 67 tuổi, sẽ lấy 6x9 =54, tức 5 tuần quan hệ 4 lần là điều độ.
Để phòng ngừa "thượng mã phong" (thường được dùng để chỉ những tai biến tim mạch cấp, nguy hiểm xảy ra sau khi quan hệ tình dục)… bác cần khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý tim mạch để điều trị kịp thời như: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành), tầm soát các bệnh lý: tiểu đường, rối loạn lipid máu…
Các thành viên trong gia đình cũng nên trạng bị kiến thức về sơ cứu, đặc biệt là cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR) để phòng ngừa các sự cố xấu nhất như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ liên quan đến "thượng mã phong" hay trong các tình huống khác, vốn có thể làm nạn nhân ngưng tim, ngưng thở.
CPR (cardiopulmonary resuscitation) bao gồm 2 động tác: ép tim (đặt gót một bàn tay vào giữa ngực, đặt tay kia đè lên bàn tay đã đặt, dùng sức thân người ấn sâu 5-6 cm, tốc độ 100-120 lần/phút), thổi ngạt (đỡ cho cằm nạn nhân nhô cao lên, bịt mũi, áp miệng vào, thổi đều và đủ mạnh vào miệng họ trong khoảng 1 giây). Chú ý thực hiện trên mặt phẳng cứng, cứ ép tim 30 cái lại thổi ngạt 2 cái cho đến khi tim, phổi nạn nhân hoạt động lại hoặc đến khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.