Tái hợp trong khát vọng mới

Sau thời gian trên dưới ba thập kỷ kể từ ngày chia tách (tỉnh Ninh Bình - năm 1992, tỉnh Hà Nam và Nam Định - năm 1997), ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cùng nhau tái hợp trong một khát vọng lớn lao: tái hợp để phát triển thịnh vượng hơn. Đây không chỉ là dấu mốc cho những đổi thay, xây dựng và trưởng thành; mà còn là minh chứng cho sự hòa hợp của những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc vốn đã gắn kết ba vùng đất từ xưa.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - nơi văn hóa giao thoa với sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của tự nhiên. Ảnh: Mạnh Thắng

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - nơi văn hóa giao thoa với sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của tự nhiên. Ảnh: Mạnh Thắng

3 thập kỷ trước, tôi khi đó còn là một đứa trẻ chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa của việc quê hương chia tách thành ba tỉnh riêng biệt. Trong những câu chuyện của người lớn câu được câu mất, tôi mơ hồ được biết đó là vì sự phát triển, vì yêu cầu của thời đại mới. Nhưng trong lòng một đứa trẻ như tôi, chỉ thấy một nỗi buồn mơ hồ, như thể mất đi một điều gì đó gần gũi lắm.

Hồi ấy, bố tôi hay kể về những chuyến đi làm ăn xa, về những người bạn từ Vụ Bản, Nho Quan, Bình Lục, Hải Hậu... về cái cách họ cùng nhau vượt qua khó khăn thời bao cấp. Mẹ tôi thì nhắc đến những phiên chợ quê, nơi có phở Bò Nam Định, bánh gai Bà Thi, cơm cháy Ninh Bình, nem chua Yên Mạc, chả cá Phủ Lý, bánh đa cá rô đồng chợ Vệ... Trong ký ức tuổi thơ tôi, đó là một vùng đất tuy ba mà một, tuy một mà ba. Những con người ấy, dù khác nhau ít nhiều về giọng nói, về phong tục tập quán, nhưng vẫn có chung một tấm lòng chân chất, cần cù và một tình cảm quê hương mộc mạc; gặp nhau, gọi nhau hai tiếng “quê mình” thân thương.

1 góc thành phố Nam Định. Ảnh: Xuân Trường

1 góc thành phố Nam Định. Ảnh: Xuân Trường

Những năm tháng sau này, tôi đã hiểu và chứng kiến việc “quê mình” tách thành ba tỉnh riêng biệt là một quyết sách cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nhưng trong tâm thức của tôi, và chắc chắn là của nhiều người, vùng đất “tuy ba mà một, tuy một mà ba” vẫn luôn là một không gian văn hóa - lịch sử thống nhất, gắn bó keo sơn qua bao thế hệ. Đây không chỉ là một miền đất địa lý, mà còn là vùng đất kết tụ hồn thiêng sông núi, nơi in đậm dấu ấn của các triều đại trong lịch sử dân tộc. Từ kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê, nền móng của quốc gia Đại Cồ Việt, đến thời nhà Lý với những bước phát triển rực rỡ về văn hóa, Phật giáo, tổ chức nhà nước; từ chiến công hiển hách ba lần đánh tan quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần đến những di tích, di sản văn hóa của Triều Đại nhà Trần trải khắp 3 tỉnh, đến những hình ảnh bất khuất trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ - tất cả đều minh chứng cho truyền thống yêu nước, kiên cường và khí phách anh hùng của con người vùng đất này.

Ba tỉnh “quê mình” đã có những bước phát triển riêng: Nam Định với nền công nghiệp dệt may, truyền thống giáo dục và di sản văn hóa Phủ Dầy, Đền Trần; Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch vùng và quốc gia (Tràng An, Hoa Lư, Bái Đính) và phát triển kinh tế xanh; Hà Nam vươn lên từ nông nghiệp, công nghiệp nay đã có hạ tầng hiện đại, là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn...

Sự phát triển độc lập của mỗi tỉnh đã tạo nên những thế mạnh riêng. Nhưng người Ninh Bình vẫn nhớ về phiên chợ Viềng cầu may họp duy nhất một lần dịp đầu xuân, người Nam Định vẫn thuộc lòng những câu hát chèo đất Ninh Bình, Hà Nam, người Hà Nam vẫn nhớ thương món phở Giao Cù, cơm gạo tám Hải Hậu như một phần hương vị quê nhà.

Có người nói rằng, ranh giới hành chính chỉ là những đường kẻ trên bản đồ, còn tình cảm và văn hóa mới là thứ trường tồn. Với tôi, vùng đất “tuy ba mà một, tuy một mà ba” chính là minh chứng đẹp đẽ nhất cho điều ấy. Dù ba tỉnh đi trên những con đường khác nhau, nhưng chúng ta từng chung một điểm xuất phát, từng chung một hành trình lịch sử và chung một niềm tự hào về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Ba mươi năm trước, chia tách là để định vị và phát triển. Ba mươi năm sau, tái hợp là để vươn xa hơn. Những năm tháng hợp nhất trong quá khứ đã trở thành một phần ký ức thân thương. Còn Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình của hôm nay, đang cùng nhau viết tiếp câu chuyện mới - câu chuyện về phát triển mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhìn quê hương của hôm nay, tôi cảm nhận một sức sống mới đang trỗi dậy. Những con đường cao tốc vươn dài, những công viên di sản, những khu công nghiệp hiện đại đã và đang mọc lên; những làng nghề truyền thống như thêu ren Văn Lâm, Thanh Hà, Trống Đọi Tam, nghề gỗ La Xuyên, tơ lụa Cổ Chất, phở Giao Cù, khắc đá Ninh Vân, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát... hay những làng chèo cổ Đặng Xá, Thi Sơn, Thượng Phường, Khánh Thiện vẫn vẹn nguyên nét văn hóa đặc sắc qua những dặm dài thế kỷ. Sự phát triển năng động không xóa nhòa những giá trị truyền thống, mà hòa quyện giữa cũ và mới, tạo nên một bản sắc riêng - vừa năng động, vừa đậm chất “quê mình”.

Thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Ảnh: Báo Chính phủ

Thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Ảnh: Báo Chính phủ

Tôi hình dung ra một Ninh Bình trong tương lai: suốt bờ biển trải dài cả trăm km thức giấc, là một trong những điểm tựa vững chắc cho quê hương vươn lên làm giàu từ biển; những cánh đồng lúa Hà Nam, Nam Định sẽ là vựa thóc công nghệ cao, những làng nghề nức tiếng sẽ trở thành trung tâm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và không gian di sản văn hóa, thiên nhiên ở Ninh Bình sẽ là điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế. Sự hợp nhất này không đơn thuần là ba mảnh ghép lại, mà là tạo ra một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh, nơi thế mạnh của từng vùng được phát huy tối đa. Và có lẽ, sức mạnh lớn nhất của sự tái hợp này chính là con người. Người Hà Nam cần cù, người Nam Định khéo léo, người Ninh Bình kiên cường - khi chúng ta cùng chung tay, không gì là không thể. Tôi tin rằng, chính tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên sẽ là chất xúc tác đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Tôi luôn tự hào là người con của “quê mình”, thấy may mắn vì được chứng kiến cả hai thời điểm lịch sử: chia tách và tái hợp. Người Hà Nam, người Nam Định, người Ninh Bình, hôm nay dù ở đâu, đều có chung niềm tin rằng sự tái hợp lần này sẽ tạo đà phát triển vượt bậc cho tỉnh Ninh Bình mới. Đây không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là sự hội tụ của tâm thế mới, khí thế mới và quyết tâm mới để cùng chung tay xây dựng quê hương thịnh vượng, văn minh, giàu bản sắc, xứng đáng với truyền thống cha ông và tạo lập tương lai phát triển bền vững cho những thế hệ sau này.

Tôi tin rằng, một Ninh Bình mới sẽ vươn mình mạnh mẽ, phát huy tiềm năng con người, di sản để trở thành một trung tâm mới, với một tầm cao mới. Và trong dòng chảy ấy, mỗi người con Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình sẽ tìm thấy vị trí của mình, cùng góp sức xây dựng quê hương chung giàu đẹp.

Hùng Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tai-hop-trong-khat-vong-moi-075061.htm