Tái khẳng định vị thế
Ấn Độ mới đây đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới Agni Prime (Agni P). Cuộc thử nghiệm thành công tái khẳng định vị thế của Ấn Độ với tư cách một cường quốc công nghệ quân sự.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Đây là vụ phóng ban đêm đầu tiên được tiến hành sau 3 lần thử nghiệm thành công, xác nhận tính chính xác và độ tin cậy của hệ thống. Vụ phóng thử đáp ứng tất cả mục tiêu mong muốn, đồng thời mở đường cho việc đưa hệ thống này vào trang bị cho các lực lượng vũ trang".
Trong khi đó, Kandlikar Venkatesh, nhà phân tích về quốc phòng và hàng không vũ trụ của GlobalData nhận định: “Việc phát triển thành công tên lửa Agni P là một cột mốc quan trọng đối với Ấn Độ, thể hiện sự tiến bộ trong sản xuất vũ khí nội địa và tham vọng đạt được sự tự chủ về công nghệ tên lửa tiên tiến”.
Chuyên gia Venkatesh tin rằng, việc phát triển thành công hệ thống tên lửa Agni P có ý nghĩa địa chính trị, cho thấy Ấn Độ đã cải thiện năng lực quân sự và cam kết duy trì tư thế răn đe đáng tin cậy. Ông nhấn mạnh: “Thông điệp này có thể ảnh hưởng đến tính toán và hành vi của các nước láng giềng, thúc đẩy sự ổn định nhờ răn đe”.
Những năm qua, New Delhi không ngừng theo đuổi những tiến bộ công nghệ và khả năng tự cung, tự cấp trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này cho thấy quyết tâm của quốc gia Nam Á trong việc nâng cao năng lực sản xuất vũ khí trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài.
Chương trình phát triển tên lửa chiến lược đã được Ấn Độ triển khai từ thập niên 1980, với mục đích giúp Ấn Độ tự chủ về công nghệ tên lửa. Chương trình bao gồm 5 hệ thống tên lửa cốt lõi: Prithvi, Agni, Trishul, Nag và Akash. Trải qua hơn 40 năm, Ấn Độ đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công nghệ chế tạo tên lửa. Điều này giúp New Delhi không chỉ ghi tên vào danh sách các quốc gia sở hữu tên lửa liên lục địa mà còn trở thành "cường quốc tên lửa" như lời tuyên bố của nhà khoa học Vijay Kumar Saraswat, cựu lãnh đạo của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
New Delhi đã phát triển nhiều biến thể khác nhau của tên lửa Agni. Trong đó, Agni I đến Agni IV có tầm bắn từ 700km đến 3.500km. Tháng 12 năm ngoái, nước này cũng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni V có thể tấn công mục tiêu ở cự ly lên tới 5.000km.
Agni P là tên lửa thứ 6 trong “gia đình” Agni. Với trọng lượng nhẹ hơn và tính cơ động tốt hơn, Agni P là mục tiêu khó đánh chặn đối với các lực lượng phòng không đối phương, giúp tăng cường khả năng tấn công của Ấn Độ. Agni P dự kiến sẽ thay thế các tên lửa thế hệ cũ như: Prithvi II, Agni II, Agni III...
Theo trang Business Standard, Agni P có phạm vi tấn công từ 1.000km đến 2.000km. Tên lửa đạn đạo đất đối đất này được trang bị những công nghệ mới nhất như vỏ động cơ composite, phương tiện chuyển hướng linh hoạt (MaRV) giúp tên lửa có khả năng theo dõi, thay đổi mục tiêu sau khi phóng.
So với các “đàn anh” đi trước, Agni P được đánh giá là phiên bản tiên tiến nhất của tên lửa Agni tính đến thời điểm hiện tại. Sự góp mặt của Agni P trong “bộ sưu tập tên lửa nội địa Ấn Độ” thể hiện bước tiến đáng kể trong khả năng răn đe chiến lược của quốc gia Nam Á.
The Economic Times nhận định, vụ phóng thử thành công Agni P mới đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các nhà khoa học cùng kỹ sư DRDO. Với sự đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển vũ khí, Ấn Độ đặt mục tiêu không nhỏ khi muốn vươn lên tốp những quốc gia dẫn đầu về công nghệ vũ khí và các hệ thống phòng thủ hiện đại. Cuộc thử nghiệm thành công tên lửa Agni P là một bước đệm để đạt được mục tiêu này, định vị Ấn Độ là một quốc gia tiên tiến về công nghệ và tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/tai-khang-dinh-vi-the-730937