Tài khoản cho chủ xe cơ giới: Đã đến lúc không thể trì hoãn

Thu phí đường bộ tự động không dừng, phạt vi phạm giao thông, hay mới đây nhất là thu phí vào nội đô của các phương tiện cơ giới, tất cả đều cần chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng hoặc các ứng dụng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai một số loại hình thu phí đối với chủ xe cơ giới hiện nay dường như vẫn dậm chân tại chỗ do thiếu đi các điều kiện để thanh toán tự động nói trên.

Cả nước hiện có gần 4 triệu ô tô nhưng chưa tới 700 nghìn xe dán thẻ trả phí tự động.

Cả nước hiện có gần 4 triệu ô tô nhưng chưa tới 700 nghìn xe dán thẻ trả phí tự động.

Chẳng hạn như chủ trương thu phí tự động không dừng, theo lộ trình đặt ra, đến hết năm 2018 tất cả các trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng; đến hết năm 2019 áp dụng cho tất cả các trạm còn lại.

Tuy nhiên, đến nay mới có 24/44 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đưa vào vận hành làn thu phí tự động. Cả nước hiện có gần 4 triệu ô tô nhưng chưa tới 700 nghìn xe dán thẻ trả phí tự động.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng; bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.

Trong khi đó, hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM vừa qua cũng đã đưa ra đề xuất thu phí vào nội đô để hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở khu vực trung tâm. Hình thưc thu phí của đề án này theo các nhà quản lý đưa ra là thu phí tự động. Tuy nhiên, tự động thế nào, hình thức thu ra sao, thu qua tài khoản nào của chủ xe thì cũng chưa được nhắc đến.

Rồi thu phí đỗ xe tại các điểm dịch vụ đỗ xe công cộng cũng đã đưa ra việc thu phí qua tài khoản của các chủ xe cơ giới, nhưng cho đến nay việc thu này cũng thủ công, tiền mặt là chính…

Về vấn đề này, LS. Bùi Quang Hưng, Giám đốc Văn phòng Luật sư BQH và Công sự, cho biết: Việc đưa ra những điều kiện đối với chủ phương tiện khi đăng ký, lưu hành cho xe cơ giới (ngay cả việc cần có tài khoản cho các chủ xe) là những việc nằm trong khung pháp luật cho phép.

Các nhà quản lý, các cấp, các ngành sẽ tùy theo điều kiện về các yếu tố vùng lãnh thổ, điều kiện giao thông, các yếu tố về con người… để đưa ra những quy định mang tính chất chế tài bắt buộc.

Đồng quan điểm, GS. Vũ Kim Dũng, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng: Các chế tài về kinh tế luôn phải đưa ra để giúp cho công tác quản lý tốt hơn. GS. Dũng cũng đồng tình rằng điều kiện có tài khoản cho chủ xe cơ giới là cần thiết.

Tuy nhiên, ông cho rằng về phía các cơ quan quản lý nên thống nhất với các ngân hàng thiết kế một loại tài khoản cho các chủ xe. Tài khoản này không nhất thiết luôn phải có số dư bắt buộc mà có thể ngân hàng sẽ cung cấp một khoản như tín dụng cho chủ phương tiện để thanh toán những phát sinh phí và phạt trong quá trình lưu hành.

Khoản phát sinh này phải được thanh toán lại cho ngân hàng chậm nhất trong thời gian quy định, nếu không chủ xe sẽ phải chịu mức lãi suất phạt.

Đổi lại, chủ xe sẽ phải lấy tài sản (có thể là chính phương tiện cơ giới mà họ sở hữu), thu nhập của mình để làm khoản đảm bảo cho phát sinh thanh toán với ngân hàng.

Hoài Phi

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tai-khoan-cho-chu-xe-co-gioi-da-den-luc-khong-the-tri-hoan-90258.html