Tái khởi động tinh thần 'cây cầu Mỹ Thuận'

Cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam bắc qua sông Tiền, khánh thành vào ngày 21-5-2000, được xem là cây cầu lịch sử của cả vùng đất Chín Rồng. Công trình hợp tác - chuyển giao giữa Australia - Việt Nam này đã thay đổi 'dòng chảy' lưu thông của ĐBSCL. Không chỉ kết nối 2 bờ Tiền Giang và Vĩnh Long mà từ đây còn mở đường, lan tỏa động lực phát triển cho sức mạnh kết nối vùng.

Gần 25 năm sau, thêm một “cây cầu” lịch sử ghi dấu ấn kết nối hai đất nước Việt Nam - Australia với bản ký kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 3-2024), đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mạnh mẽ.

Từ chuyến thăm, dự hội nghị thượng đỉnh Australia - ASEAN của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến các đoàn địa phương mà nay là đoàn đại biểu TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dẫn đầu thăm hai bang New South Wales và Victoria đã góp phần hiện thực hóa các nội dung của đối tác chiến lược hai bên.

Đặt trong tình hình và sự đòi hỏi cấp thiết hiện nay, với nền tảng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện thì tinh thần hợp tác của hơn 1/4 thế kỷ trước đã và đang được thiết lập ở mức độ cao hơn, sâu hơn và toàn diện hơn.

Trong đó, quy chiếu qua bản nghị quyết mang tính “thuận thiên” - tức Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thì càng thấy hướng đi đúng đắn, tầm nhìn và sự chọn lựa có tính tất yếu của các quyết sách dành cho vùng, trong đó có phương thức hội nhập - hợp tác sâu rộng với nước bạn Australia.

Cơ sở hạ tầng - giao thông đô thị là cuộc mở màn, hoặc là bước tái khởi động của tinh thần “cây cầu Mỹ Thuận” cách nay gần 1/4 thế kỷ ở hầu hết các công trình hạ tầng trọng điểm. Cây cầu dây văng đầu tiên của cả nước là biểu tượng của hợp tác ODA giữa Australia và Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Từ đây, hàng loạt công trình phát triển hạ tầng từ nguồn vốn không hoàn lại của các nước đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng.

Vấn đề là không chỉ hạ tầng xây dựng mà sự hợp tác còn “nhảy vọt” ở chỗ đồng bộ với xu thế toàn cầu, thống nhất tập trung cho các chính sách ưu tiên như hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, y tế chuyên sâu…

Không phải tự nhiên mà các vấn đề xây dựng chiến lược của ĐBSCL được ưu tiên thúc đẩy trong vòng 5 năm trở lại đây, từ Nghị quyết 120 “thuận thiên” của Chính phủ đến Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước ngoặt cho sự phát triển trong tình hình mới của vùng đất phía Nam.

Diễn biến phức tạp và ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đi liền với chuyển đổi sinh kế của 18 triệu người dân đã dẫn đến cuộc di dân ngầm ra khỏi “vựa lúa” từ hơn 1 thập niên qua. Nó gắn luôn cái địa chỉ nơi đến là “đi Bình Dương”, tức cuộc mưu sinh đã chuyển từ khu vực nông thôn lên đô thị mới với tính chất lao động công nghiệp lắp ráp dây chuyền.Và gần như có một sự “chững lại”, ở điểm nút của mô hình lao động thâm dụng cao, giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, đã đến lúc cần và phải nỗ lực cho một sự chuyển đổi có tính đột phá, không chỉ riêng bất cứ tỉnh thành nào trong vùng châu thổ mà phải hợp lực toàn vùng (Nam bộ) và khai phóng nội lực của mỗi vùng (Đông Nam bộ, Tây Nam bộ) cũng như của từng địa phương - mà TPHCM là chủ lực với vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt sự kết nối - phát triển.

Rõ ràng, TPHCM - ĐBSCL đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhu cầu huy động nguồn lực tăng vọt về lượng lẫn chất cũng như đa dạng về hình thức. Trong đó, hạ tầng cứng (giao thông, đô thị) vẫn đang được đặt làm ưu tiên đi cùng hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa). Những “cây cầu Mỹ thuận mới” bắt nguồn từ tư duy, phương pháp và đặc biệt là yếu tố con người và “phải tính kế sách trăm năm chứ không phải vài năm hay vài chục năm” chính là một sứ mệnh - hành động trong bối cảnh hiện nay.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tai-khoi-dong-tinh-than-cay-cau-my-thuan-post740657.html